Đền Hùng
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Đền Hùng là tên gọi khái quát quần thể đền chùa thờ phụng các Vua Hùng và tôn thất của nhà vua trên núi Nghĩa Lĩnh, gắn với lễ hội Đền Hùng được tổ chức tại địa điểm đó hàng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch.
Mục lục |
[sửa] Vị trí
Quần thể di tích Đền Hùng nằm từ chân núi đến đỉnh ngọn núi Nghĩa Lĩnh cao 175 mét (núi có những tên gọi như Núi Cả, Nghĩa Lĩnh, Nghĩa Cương, Hy Cương, Hy Sơn, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiếu Sơn), thuộc địa phận xã Hy Cương, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ, trong khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt giáp giới với những xã thuộc huyện Thanh Sơn và vùng ngoại ô thành phố Việt Trì, cách trung tâm thành phố Việt Trì khoảng 10km. Khu vực đền Hùng ngày nay nằm trong địa phận của kinh đô Phong Châu của quốc gia Văn Lang cổ xưa.
[sửa] Đặc điểm
[sửa] Các di tích chính
- Cổng đền: Được xây dựng vào năm Khải Định thứ 2 (1817), có bốn chữ Hán viết theo lối chữ chân, đại tự "Cao sơn cảnh hành" (lên núi cao nhìn xa rộng). Còn có người dịch là "Cao sơn cảnh hạnh" (Đức lớn như núi cao), do chữ 行 trong bức hoành phi có thể đọc bằng hai âm "hành" hoặc "hạnh" với nghĩa khác nhau.
- Đền Hạ: Tương truyền là nơi Âu Cơ sinh hạ bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con. Kiến trúc đền Hạ kiểu chữ nhị gồm hai tòa tiền bái và hậu cung, mỗi toà ba gian, cách nhau 1,5m.
- Nhà bia: Nhà bia nằm ngay cạnh đền Hạ có kiến trúc hình lục giác với 6 mái. Trong nhà bia trước đặt tấm bia công đức ghi công những người đóng góp tu bổ di tích, nay đặt tấm bia đá khắc dòng chữ quốc ngữ: "các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Đây là câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm Đền Hùng ngày 19 tháng 9 năm 1945 và nói chuyện với Trung đoàn Thủ đô, trước khi trung đoàn về tiếp quản Hà Nội.
- Chùa Thiên Quang: còn gọi là Thiên quang thiền tự, tọa lạc gần đền Hạ. Chùa được xây theo kiểu nội công ngoại quốc, gồm các nhà tiền đường (5 gian), thiêu hương (2 gian), tam bảo (3 gian) ở phía trước, dãy hành lang, nhà Tổ ở phía sau.
- Đền Trung: Tương truyền là nơi các Vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng du ngoạn Nghĩa Lĩnh ngắm cảnh và họp bàn việc nước.
- Đền Thượng: Đền được đặt trên đỉnh núi, nơi ngày xưa theo truyền thuyết các Vua Hùng thường lên tiến hành các nghi lễ, tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp thờ trời đất, thờ thần lúa, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh. Ngoài cổng đền có dòng đại tự: "Nam Việt triều tổ" (tổ tiên của Việt Nam).
- Cột đá thề: Bên phía tay trái đền Thượng có một cột đá gọi là cột đá thề, tương truyền do Thục Phán dựng lên khi được Vua Hùng thứ 18 truyền ngôi để thề nguyện bảo vệ non sông đất nước mà Hùng Vương trao lại và đời đời hương khói trông nom miếu vũ họ Vương. Tuy nhiên, các nhà khoa học khi nghiên cứu cột đá thề thấy trên cột đục lỗ, cho rằng rất có thể đây chỉ là tàn tích cột đá của một kiến trúc cổ xây dựng tại khu vực này từ trước.
- Lăng Hùng Vương (Hùng Vương lăng) tương truyền là mộ của Vua Hùng thứ 6. Lăng mộ nằm ở phía đông Đền Thượng, mặt quay theo hướng Đông Nam. Xưa đây là một mộ đất, thời Tự Đức năm thứ 27 (năm 1870) đã cho xây mộ dựng lăng. Thời Khải Định tháng 7 (năm 1922) trùng tu lại.
- Đền Giếng: Tương truyền là nơi công chúa Tiên Dung và công chúa Ngọc Hoa (con gái của Vua Hùng thứ 18) thường soi gương, vấn tóc khi theo cha đi kinh lý qua vùng này. Đền được xây dựng vào thế kỷ thứ 18 theo dạng hình chữ công.
- Đền Tổ mẫu Âu Cơ: Là một ngôi đền mới, được bắt đầu xây dựng vào năm 2001 và khánh thành tháng 12 năm 2004. Đền được xây dựng trên núi Ốc Sơn (núi Vặn).
- Bảo tàng Hùng Vương: được khởi công xây dựng vào năm 1996 và khánh thành đúng ngày khai hội Đền Hùng năm Quý Mùi 2003. Bảo tàng là nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm của thời đại Văn Lang được phát hiện trong địa phận tỉnh Phú Thọ, đặc biệt là các di vật phát hiện quanh khu vực đền Hùng.
- Hồ: dưới chân núi Nghĩa Lĩnh có một cái hồ rất rộng, ngày xưa trồng nhiều sen. Hồ đã được kè xung quanh, trở thành một thắng cảnh cho du khách tới thăm Đền Hùng thêm một địa điểm vui chơi, nghỉ ngơi. Đây cũng là nơi thường diễn ra lễ hội bắn pháo hoa vào ngày quốc giỗ.
[sửa] Hành trình của du khách
Khu di tích lịch sử Đền Hùng bao gồm ba đền chính là Đền Hạ, Đền Trung và Đền Thượng theo thứ tự từ dưới chân núi đi lên. Từ những bậc đầu tiên dưới chân núi, du khách sẽ qua cánh cổng, bước nhiều bậc đá lên thắp hương và thăm thú các đền, kết thúc tại Đền Thượng trên đỉnh Nghĩa Lĩnh, nơi có lăng mộ vua Hùng thứ 6.
Sau khi lên đến Đền Thượng du khách sẽ dừng tiếp tục cuộc hành trình theo một con đường khác với đường đi lên, và điểm dừng chân cuối cùng là Đền Giếng ở dưới chân núi. Đền Giếng là nơi được cho rằng rất linh nghiệm cho những ai muốn cầu duyên. Tên gọi của đền do trong đền có chiếc giếng ngọc tương truyền là nơi hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa thường soi dung nhan. Nguồn nước thiêng của giếng ngọc tuôn chảy từ lòng núi Nghĩa Lĩnh.
[sửa] Lễ hội
Hội đền Hùng diễn ra vào ngày chính là ngày 10 tháng 3 âm lịch, có câu: "Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba". Tuy nhiên, lễ hội thực chất đã diễn ra từ hàng tuần trước đó với những phong tục như đâm đuống (đánh trống đồng) của dân tộc Mường, hành hương tưởng niệm các vua Hùng, và kết thúc vào ngày 10 tháng 3 âm lịch với lễ rước kiệu và dâng hương trên Đền Thượng. Lễ hội Đền Hùng hiện được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nâng lên thành quốc giỗ tổ chức lớn vào những năm chẵn.
[sửa] Thông tin thêm
Trống đồng mang tên Trống Hy Cương được tìm thấy ở xã Hy Cương ngay dưới chân núi Nghĩa Lĩnh ngày 7 tháng 8 năm 1990[1] khi một gia đình người dân đào hố tôi vôi. Trống khá nguyên vẹn, có đường kính mặt 93 cm và chiều cao 70 cm, là trống đồng Đông Sơn có kích thước lớn nhất trong tổng số trống Đông Sơn đã biết ở Việt Nam và Đông Nam Á[2]. Trống có hoa văn trang trí phong phú và cách điệu hóa cao độ, trong đó có các loại hoa văn chủ đạo như hình ngôi sao 12 cánh đường kính đến 20cm, 8 con chim lạc dài 15cm bay theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, hình người hóa trang cách điệu chỉ có mắt và lông công, thuyền v.v. Có thể quanh Hy Cương còn nhiều trống đồng chưa được phát hiện ra, nhưng với việc phát hiện trống lớn như một bằng chứng khảo cổ tại chân núi Nghĩa Lĩnh, cho thấy vị trí đặc biệt của Hy Cương và đền Hùng trong lịch sử dân tộc (trống lớn thường thuộc sở hữu của một vị tù trưởng hoặc thủ lĩnh rất lớn), là một trong những minh chứng khẳng định tính lịch sử của huyền thoại các vua Hùng. Trống hiện được lưu giữ trong Bảo tàng Hùng Vương với số đăng ký ĐH 2012 (theo số mới), số cũ là 1549.
[sửa] Chú thích
- ^ Phạm Bá Khiêm, Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật, số 6 năm 1991
- ^ TS. Nguyễn Anh Tuấn, Trống đồng vùng đất Tổ, Sở Văn hóa Thông tin và Thể thao Phú Thọ, 2001, trang 103
[sửa] Liên kết ngoài
- Khu di tích lịch sử Đền Hùng
- Lễ hội tại Phú Thọ
- Lễ hội Đền Hùng sẽ hoành tráng nhất từ trước tới nay
- Vài phong tục quanh Lễ hội Đền Hùng
- Đền Hùng - đất tổ của con rồng cháu tiên
- Chùm ảnh khai hội Đền Hùng năm 2005
- Bế mạc lễ hội đền Hùng: Nối ngàn xưa với ngàn sau
- Hội Đền Hùng Hải Ngoại : Quốc Tổ Vọng Từ, San Jose.