Lịch sử Campuchia
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Lịch sử Campuchia |
---|
|
Buổi đầu lịch sử |
Cuộc di cư của người Kamboja |
Phù Nam (1-630) |
Chân Lạp (630-802) |
Đế quốc Khmer (802-1432) |
Thời kỳ suy thoái (1432-1863) |
Thời thuộc địa (1863-1953) |
Sau độc lập (từ 1954) |
Nội chiến (1967-1975) |
Khmer Đỏ (1975-1979) |
Cộng hoà nhân dân Kampuchea (1979-1990) |
Thời hiện đại (1990-hiện tại) |
[sửa] Các vương quốc đầu tiên
Người ta biết về nước Phù Nam trước hết là nhờ những ghi chép của thư tịch cổ Trung Hoa như Lương thư (sử nhà Lương 502-556 SCN) là đầy đủ hơn cả. ‘’Nước Phù Nam ở phía Nam quận Nhật Nam, trong 1 vịnh lớn ở phía Tây biển. Nước cách Nhật Nam chừng 7.000 lý và cách Lâm Ấp hơn 3.000 lý về phía Tây Nam. Đô thành cách biển 500 lý. Một con sông lớn từ Tây Bắc chảy về phía Đông và đổ ra biển. Nước rộng hơn 3.000 lý. Đất thấp và bằng phẳng. Khí hậu và phong tục đại để giống Lâm Ấp’’[1]
Tấn thư còn cho biết thêm’’Đất rộng 3.000 lý, có những thành phố xây tường, có lâu đài và nhà ở. Đàn ông Phù Nam xấu và đen, quấn tóc, ở truồng và đi chân không. Tính đơn giản và không trộm cắp. Họ chăm công việc nhà nông, gieo 1 năm gặt 3 năm. Họ thích trang trí bằng điêu khắc, chạm trổ; nộp thue6`1 bằng vàng, bạc, hạt châu, hương liệu. Họ có sách vở, thư viện và nhiều vật khác. Chữ viết giống người Hồ. Ma chay cưới hỏi đại để giống Lâm Ấp.[2]
Theo truyền thuyết cổ được ghi chép lại bởi Khang Thái (Kang Tai), 1 quan lại Trung Hoa đã từng tới Phù Nam giữa TK III thì xứ này do 1 người phụ nữ tên Liễu Diệp (Liu Yeh) cai trị. Sau đó 1 người nước ngoài tên là Hỗn Điền (Hun Tien) có thể là từ Ấn Độ sang đã cưới Liễu Diệp và lập ra 1 triều đại tại đây.[3]. Theo các truyền thuyết địa phương thì vị ẩn sĩ Ấn Độ này tên là Kambu đã kết hôn với nữ thần Mera và con cháu của họ được gọi là Kambuja (con cháu của Kambu) và tên ghép của 2 vợ chồng trở thành tên dân tộc là Kambu-Mera, Kmer hay Khmer.
Thực sự thì Phù Nam là 1 quốc gia hỗn hợp gồm nhiều tộc người khác nhau, do 1 xứ Phù Nam chánh tông nắm địa vị tôn chủ và các tiểu quốc kia phải thần phục và cống nạp cho nó.
Triều đại Phù Nam đầu tiên có 4 đời vua kế tiếp nhau là
- Hỗn Điền
- Con Hỗn Điền (chưa rõ tên họ)
- Hỗn Bàn Huống
- Hỗn Bàn Bàn
Tiếp đó 1 viên tướng khác lên ngôi, lập 1 triều đại khác bắt đầu là Phạm Sư Man (khoảng 220-280)
- Phạm Sư Man
- Phạm Chiêu
- Phạm Tràng
- Phạm Tầm
TK V tài liệu Trung Hoa có nói tới 1 ông vua tên là Trì Lê Đà Bạt Ma ở ngôi từ 424-438 rồi tới Đồ Da Bạt Ma và Lưu Đà Bạt Ma. Thư tịch cổ còn nói tiếp sau đó nước Phù Nam bị 1 nước khác ở phía Bắc đánh bại (cuối TK VI-giữa TK VII). Phù Nam tới đây là dứt.
[sửa] Vương quốc Chân Lạp
Nước đã đánh bại Phù Nam là Chân Lạp, 1 quốc gia do người Khmer sáng lập. Trung tâm của họ nằm ở Sae Mun (nay thuộc Thái Lan) và Champassak (nay thuộc Hạ Lào). Quốc gia này do Bhavavarman sáng lập trong TK VI gọi là nước Bhavapura tức Chân Lạp.
Bhavavarman đã chấm dứt sự lệ thuộc Phù Nam. Sau khi ông mất, con ông là Mahendravarman lên kế ngôi và tấn công Phù Nam, buộc vua Phù Nam phải chạy trốn tới Naravana tức nước Chí Tôn (nay là Ba Thê, xã Vọng Thê, An Giang). Isanavarman kế ngôi Mahendravarman tiếp tục tấn công ‘’Với sức mạnh của mình đã vượt qua ranh giới lãnh thổ của Tổ tiên’’.[4]. Các vua thất trận đã bỏ chạy ra vùng hải đảo.
Jayavarman I lật đổ Isanavarman để cai trị 1 lãnh thổ rộng lớn. Bia ký của ông được tìm thấy trên 1 vùng lãnh thổ bao gồm cả Sae Mun, Battambang, Seam Reap, Kompong Thom, Takeo, Prey Veng và Kampot.
Sau khi đánh thắng Phù Nam, người Chân Lạp đã ồ ạt di cư xuống phía Nam. Họ đã dừng lại ở Takeo (cụm di tích Angkor Borey) và Prey Veng (cụm di tích Ba Phnom), trung lưu sông Mekong và Đông Bắc biển Hồ. Isanavarman đã xây dựng kinh đô Isanapura ở gần Kompong Thom. Theo Tùy thư của Trung Hoa thì nơi đây có tới 20.000 gia đình sinh sống. Ngoài ra vương quốc còn có 30 thành thị do các Tổng đốc cai quản và quan tước cũng tựa như Lâm Ấp.
[sửa] Thời kỳ khủng hoảng của Chân Lạp
Jayavarman qua đời năm 680. Hoàng hậu Jayadevi nắm quyền từ 681-713 đã gây bất bình trong giới quý tộc và quan lại. Do những mâu thuẫn này mà năm 713, Puskaraksa đã truất phế bà và tự lên ngôi, lập kinh đô mới là Sambhupura ở gần Sambaur.
Do sự biến này mà phần phía Bắc của vương quốc (tức nước Bhavapura cũ) tách ra khỏi Chân Lạp, lập lại nước riêng. Tài liệu Trung Hoa ghi lại là nước chia làm 2: Thủy Chân Lạp và Lục Chân Lạp. Biên giới nằm ở núi Dang Reak (nay là biên giới Thái-Campuchia).
Ở miền Nam, Puskaraksa không thể kiểm soát nổi lãnh thổ của mình. Nhiều nơi nổi lên, tự lập nước riêng. Trong lúc đó vương triều Sailendra của nước Kalinga ở đảo Java, Indonesia mạnh lên đã tấn công vương quốc của Puskaraksa năm 774, chiếm được kinh đô Sambhupura và đẩy đất nước này tới hồi diệt vong.
[sửa] Thời kỳ Angkor (802-1434)
[sửa] Phục quốc (802-944)
Đầu TK IX, nhân khi vương triều Sailendra suy yếu, một người trong hoàng tộc Chân Lạp bị bắt làm tù binh đã trốn về nước, tập hợp lực lượng đấu tranh để thoát ra khỏi ảnh hưởng của Sailendra và thống nhất lại Campuchia, mở đầu thời kỳ Angkor(802-1434), lấy hiệu là Jayavarman II[5]
Jayavarman II đã cố công tìm kiếm 1 địa điểm mới để đặt kinh đô. Trong thời của ông, vương quốc đã dời đô nhiều lần, từ Indrapura cho tới Hariharalaya và Mahendrapura ở núi Kulen rồi cuối cùng là quay trở lại Hariharayala.
Thời kỳ Jayavarman II tại vị, sự sùng bái thần Shiva có khuynh hướng biến thành sự sùng bái nhà vua (Devaraja). Do đó mà ông cũng được tôn sùng như 1 vị thần. Khi ông qua đời năm 854, người ta đã phong tặng cho ông danh hiệu Paramesvara tức “Chúa tể”.
Cháu của Jayavarman II là Yasovarman I cai trị từ 889-900 lại tiếp tục dời đô thêm 50 km, tại 1 nơi mà ông gọi là Yasohadrapura tức là Angkor. Đây là biến âm từ chữ Phạn Nagara tức Quốc đô.
[sửa] Phát triển (944-1181)
Rajendravarman II lên ngôi năm 944 được thừa kế cả 2 dòng Khmer Nam và Bắc. Ông là con Mahendravarman thuộc hoàng tộc Bhavapura (phía Bắc) và Mahendradevi, dì ruột cùa Harsavarman II (942-944), vua của dòng Nam. Do sự kiện này mà 2 dòng tộc Thủy Chân Lạp và Lục Chân Lạp đã lập lại được sự thống nhất. Các văn bia thời kỳ này đều nhấn mạnh về nguồn gốc tộc Mặt trời (Suryavamsa) phía Bắc và tộc Mặt trăng (Somavamsa) phía Nam của vương triều. Tên nước được xác định là Kambuja và vua là Kambujaraja.
Tuy đã tái thống nhất nhưng giữa 2 dòng tộc vẫn có sự mâu thuẫn. Năm 1002, Jayaviravarman II lên ngôi ở Angkor tại miền Nam thì 1 hoàng thân khác cũng tự lên ngôi ở Sae Mun phía Bắc là Suryavarman I. Năm 1010, Suryavarman I đã lật đổ vua phía Nam rồi làm vua cả 2 miền. Năm 1082, Jayavarman VI tự lên ngôi ở Sae Mun cũng đem quân đi lật đổ vua ở Angkor và cai trị vương quốc từ 1082-1107.
Tuy nhiên về sau thế lực của nhóm phía Bắc tập trung ở Sae Mun dần suy yếu và không còn là đối trọng với phía Nam được nữa. Cuối TK XII, các văn bia chỉ còn nhắc tới 1 tộc Kambu Mặt trời nhưng đã di cư xuống phía Nam mà thôi.
Do sự thống nhất và ổn định, Rajendravarman II vừa lên ngôi đã đem quân sang đánh Champa. [[Suryavarman II] (1002-1050) còn tiến xa hơn, chinh phục được trung và hạ lưu Chao Phya (sông Mae Nam nay thuộc Thái Lan) và cao nguyên Korat. Harsavarman II (1066-1080) đã đánh Champa và Đại Việt. Tới thời Suryavarman II (1113-1150) thì vương quốc đã chinh phục được Champa trong khoảng 1145-1149 và thậm chí 5 lần đem quân đánh Đại Việt (1128, 1129, 1132, 1138, 1150).
Sau cuộc tranh ngôi năm 1010, kinh đô bị hư hại nặng nên Suryavarman đã cho tiến hành xây dựng Angkor Wat như là 1 biểu tượng cho sức mạnh của vương triều.
[sửa] Cực thịnh (1181-1201)
Sau khi Suryavarman II qua đời, ngôi vua bị 1 người lạ tự xưng là Tribhuvanadi tức Tyavarman đánh cướp năm 1165 khiến quốc gia suy yếu. Năm 1177, Jaya Indravarman V của Champa thừa cơ tấn công Angkor. 1 hoàng thân trẻ phải chờ đợi trong 16 năm mới tập hợp được lực lượng để đánh bại Champa và lên ngôi vua năm 1181 tức Jayavarman VII.
Trong thời kỳ cai trị của mình, vương quốc Campuchia đã đạt tới đỉnh cao của sự phát triển.
Sau vài năm để khôi phục vương quốc, Jayavarman VII đã tính tới chuyện trả thù Champa. Năm 1190, Jayavarman VII đã cử 1 đạo binh lớn sang tấn công Champa và đánh bại hoàn toàn người Chăm. Một Hoàng thân được cử tới cai trị và Champa trở thành 1 tỉnh của Chân Lạp trong 1 thời gian dài. Ngoài việc đánh Champa, ông còn thôn tính luôn cả Haripunjaya gần biên giới Miến-Thái và bán đảo Malaya . Có thể quân Chân Lạp đã tới được cả Luang Prabang ở Lào nữa.
Vương quốc Chân Lạp dưới thời Jayavarman VII có 23 tỉnh. Để cai trị đất nước rộng lớn, ông đã cho xây dựng 121 trạm nghỉ (Dharmasala) dọc theo các tuyến giao thông quan trọng mà ngày nay vẫn còn tồn tại dấu tích trên tuyến đường nối Angkor với Pimai ở Thái Lan và từ Sambor cho tới Vi Jaya của Champa (kinh đô Phật Thệ-nay ở Bình Định).
[sửa] Suy thoái
Không rõ Jayavarman VII qua đời năm nào nhưng con trai ông là Indravarman II đã lên thay thế ông sau năm 1201 và cai trị tới 1243.
Trong thời kỳ đầu của Indravarman II, Chân Lạp từng 3 lần giao chiến với quân Đại Việt trong các năm 1207, 1216 và 1218. Tuy nhiên, sau năm 1218, không còn thấy Chân lạp có chiến tranh với các quốc gia khác trong khu vực nữa. Không những vậy, năm 1220, Chân lạp còn cho lui quân khỏi Champa mà không có bất kỳ sự đấu tranh hay biến động nào từ Champa.
[sửa] Thời kỳ suy thoái
Từ thế kỷ thứ 15 đến thế kỷ thứ 19 là giai đoạn suy tàn liên tục và thu hẹp đất đai. Campuchia chỉ có được một giai đoạn thịnh vượng ngắn trong thế kỷ 16 sau khi đã xây dựng thủ đô Lovek mới ở vùng đông nam Tonle Sap dọc theo Sông Cửu Long, mở rộng buôn bán với các vùng khác ở Châu Á. Đây là giai đoạn khi những nhà thám hiểm người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cùng các nhà truyền giáo lần đầu tiên tới nước này. Nhưng cuộc chinh phục thủ đô mới của họ ở Lovek của người Thái năm 1594 đã đánh dấu sự suy sụp tài nguyên quốc gia mà Campuchia không bao giờ gượng lại được nữa. Từ thế kỷ 17 trở đi, Campuchia trở nên suy yếu trầm trọng trước hai láng giềng hùng mạnh và tham vọng bành trướng là Xiêm và Đàng Trong (Việt Nam). Sự định cư của người Việt ở châu thổ sông Cửu Long từ đầu thế kỷ 17 dẫn tới việc họ sáp nhập hoàn toàn vùng đó vào năm 1757, vì thế Campuchia mất một trong những vùng lãnh thổ trù phú nhất của họ và bị ngăn đường tiến ra biển Đông. Sang thế kỷ 19 triều đình Campuchia gần như không còn lãnh thổ để cai trị nữa, ở phía tây người Thái tiếp tục xâm lấn và sát nhập các tỉnh Battambang, Siem Reap vào lãnh thổ của họ, ở phía đông người Việt đặt toàn bộ lãnh thổ còn lại thành một đơn vị hành chính của Việt Nam gọi là Trấn Tây thành và đưa quan binh sang cai trị. Phải đến giữa thế kỷ 19 khi Việt Nam suy yếu người Khmer mới dành lại độc lập
Tính xác thực của bài hay đoạn này còn đang trong vòng tranh luận. Xin vui lòng xem và đóng góp ý kiến ở trang thảo luận. |
và khi người Pháp tới Đông Dương bảo hộ Campuchia từ năm 1863 đã dần lấy lại phần lãnh thổ Battambang, Siem Reap từ Xiêm La.
[sửa] Giai đoạn thuộc địa Pháp
Năm 1863 Vua Norodom ký một hiệp ước với Pháp để thành lập một chính quyền bảo hộ trên toàn vương quốc. Dần dần đất nước này rơi vào quyền cai trị thuộc địa của Pháp. Năm 1906, Pháp gây chiến với Xiêm và dành lại 4 tỉnh vùng tây bắc từng bị người Xiêm chiếm trong thế kỷ 18,19 là Battambang, Siem Reap, Meanchey, Oddar. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, người Nhật cho phép chính phủ Pháp (chính phủ Vichy) đang hợp tác với Đức Phát xít tiếp tục cai quản Campuchia và các lãnh thổ Đông Dương khác, nhưng họ cũng nuôi dưỡng chủ nghĩa quốc gia Khmer. Campuchia lại được hưởng một thời kỳ độc lập ngắn năm 1945 trước khi quân Đồng Minh tái lập quyền kiểm soát của Pháp. Vua Norodom Sihanouk, người từng được Pháp lựa chọn để kế vị Vua Monivong năm 1941, nhanh chóng chiếm lấy vị trí chính trị trung tâm khi ông tìm cách trung lập hoá những người cánh tả và những đối thủ cộng hoà và cố gắng đàm phán những điều kiện có thể chấp nhận được để giành lấy độc lập từ tay người Pháp. “Cuộc thập tự chinh giành độc lập” của Sihanouk dẫn tới việc người Pháp miễn cưỡng bằng lòng trao lại chủ quyền cho ông. Một thoả thuận từng phần được đưa ra tháng 10 năm 1953. Sau đó Sihanouk tuyên bố rằng công việc đòi độc lập đã hoàn thành và thắng lợi trở về Phnom Penh.
[sửa] Chính phủ đầu tiên của Sihanouk
Những nỗ lực của Việt Minh trong Kháng chiến chống Pháp đã đem lại kết quả. Theo Hiệp ước Geneva về Đông Dương, Việt Minh đang đóng trên lãnh thổ của Campuchia tập kết ra Bắc Việt Nam, quân Pháp phải rút khỏi Đông Dương. Chính quyền do Sihanouk xây dụng một Campuchia độc lập, thân thiện với Bắc Việt Nam và các đồng minh.
Trung lập là yếu tố cơ bản của chính sách đối ngoại Campuchia trong các thập kỷ 1950 và 1960. Tuy nhiên, chính phủ Campuchia xây dựng quan hệ tốt đẹp với khối Xã Hội Chủ Nghĩa, nhận viện trợ to lớn từ Liên Xô và Trung Quốc, giúp đỡ to lớn quân Giải Phóng Việt Nam. Tới giữa thập kỷ 1960, nhiều phần tại các tỉnh phía đông Campuchia được dùng làm những căn cứ cho quân đội Bắc Việt Nam và các lực lượng Việt Cộng (NVA/VC) hoạt động chống lại Nam Việt Nam, cảng Sihanoukville được xây dựng và sử dụng để tiếp tế cho họ. Song song với việc dó là hàng hóa từ Hạ Lào quan đông bắc Campuchia vào Việt Nam. Campuchia trở thành mắt xích quan trọng của các tuyến Đường Hồ Chí Minh, trước năm 1970, phần lớn hàng hóa được chuyển qua đây.
Khi các hoạt động của NVA/VC tăng lên, Hoa Kỳ và Nam Việt Nam bắt đầu lo ngại, và vào năm 1969, Hoa Kỳ bắt đầu một chiến dịch ném bom rải thảm dài mười bốn tháng nhắm vào các cơ sở của NVA/VC khiến nước này rơi vào tình trạng bất ổn định. Hoa Kỳ tuyên bố rằng chiến dịch ném bom chỉ diễn ra ở vùng không lớn hơn mười, và sau này là hai mươi dặm bên trong biên giới Campuchian, các vùng nơi có dân Campuchian sinh sống đã được NVA di tản. [6] [7][8]
Những cuộc ném bom này gây ra thương vong rất lớn cho dân Campuchia, vốn không quen với chiến tranh như dân Việt Nam. Hoàn toàn không có việc sơ tán dân như tuyên bố, đơn giản vì quân Mỹ và Nam Việt Nam không đến những vùng bị ném bom, được cho là còn quân Bắc Việt Nam và các lực lượng Việt Cộng (NVA/VC). Từ vị thế trung lập Campuchia bị lôi kéo vào cuộc Chiến tranh Việt Nam.
Trong suốt thập kỷ 1960, chính trị trong nước Campuchian bị chia rẽ. Chống đối nổi lên bên trong tầng lớp trung lưu và cánh tả gồm cả những lãnh đạo từng được đào tạo ở pháp như Son Sen, Ieng Sary, và Saloth Sar (sau này được gọi là Pol Pot), những người này đã lãnh đạo một cuộc nổi dậy dưới sự lãnh đạo bí mật của Đảng cộng sản Kampuchea (CPK). Sihanouk gọi những người nổi dậy đó là Khmer Rouge, dịch chính xác là "Khmer đỏ." Nhưng cuộc bầu cử quốc hội năm 1966 cho thấy cánh tả được ủng hộ nhiều hơn, và tướng Lon Nol đã lập ra một chính phủ, tồn tại tới tận năm 1967. Trong giai đoạn 1968 và 1969, cuộc nổi dậy ngày càng tồi tệ. Tháng 8, 1969, tướng Lon Nol lập ra một chính phủ mới. Hoàng tử Sihanouk đi ra nước ngoài để chăm sóc sức khoẻ từ tháng 1, 1970.
[sửa] Cộng hoà Khmer và cuộc chiến
Tháng 3, 1970, khi hoàng tử Sihanouk đang vắng mặt, tướng Lon Nol lật đổ hoàng tử Sihanouk và nắm lấy quyền lực. Sơn Ngọc Thành tuyên bố ông ủng hộ chính phủ mới. 9 tháng 10, chế độ quân chủ ở Campuchia bị bãi bỏ, và đất nước được đổi tên thành Cộng hoà Khmer.
Hà Nội từ chối yêu cầu của chính phủ mới đòi họ rút quân. 2,000-4,000 người Campuchia từng tới Bắc Việt Nam năm 1954 trở về Campuchia, được các binh sĩ Bắc Việt Nam hỗ trợ. Để đáp lại, Hoa Kỳ cung cấp viện trợ vũ khí cho các lực lượng của chính phủ mới, và họ lao vào cuộc chiến chống lại cả những kẻ nổi loạn bên trong và cả những lực lượng Bắc Việt Nam.
Tháng 4, 1970, Tổng thống Mỹ Nixon tuyên bố với công chúng rằng các lực lượng trên bộ của Mỹ và Nam Việt Nam đã tiến vào Campuchia trong một chiến dịch nhằm tiêu diệt các vùng căn cứ của NVA tại Campuchia (xem Cuộc xâm nhập Campuchia). Người Mỹ ném bom Campuchia trong hơn một năm. Những cuộc phản đối diễn ra tại các trường đại học Mỹ, dẫn tới cái chết của bốn sinh viên tại Kent State, ủng hộ rút quân Mỹ khỏi Việt Nam.
Dù một số lượng lớn trang thiết bị đã bị Hoa Kỳ và các lực lượng Nam Việt Nam chiếm được và phá huỷ, chính sách ngăn chặn các lực lượng Bắc Việt vẫn tỏ ra không thành công. Bắc Việt di chuyển sâu hơn vào bên trong Campuchia để tránh các cuộc hành quân của Hoa Kỳ và Nam Việt. Các đơn vị NVA tràn qua các vị trí quân sự của Campuchia trong khi CPK mở rộng các cuộc tấn công quy mô nhỏ vào những đường thông tin liên lạc.
Trong ban lãnh đạo Cộng hoà Khmer có tình trạng không thống nhất giữa ba thành viên chính: Lon Nol, Sirik Matak anh em họ của Sihanouk, và lãnh đạo Quốc hội In Tam. Lon Nol vẫn nắm quyền lực một phần nhờ bởi không có ai đã được chuẩn bị để thế chỗ ông. Năm 1972, một hiến pháp ra đời, nghị viện được bầu ra, và Lon Nol trở thành tổng thống. Nhưng tình trạng không thống nhất, những vấn đề về việc biến lực lượng quân đội 30,000 người lên hơn 200,000, và tình trạng tham nhũng tràn lan làm suy yếu chính quyền hành chính và quân đội.
Cuộc nổi dậy của những người cộng sản bên trong Campuchia tiếp tục lớn mạnh, và được cung cấp trang bị cũng như ủng hộ quân sự từ phía Bắc Việt Nam. Pol Pot và Ieng Sary nắm được quyền lãnh đạo lực lượng cộng sản do người Việt Nam đào tạo, nhiều người trong số đó đã bị thanh lọc. Cùng lúc đó các lực lượng của Đảng cộng sản Kampuchea trở nên mạnh hơn và độc lập hơn khỏi quyền kiểm soát của người Việt Nam. Tới năm 1973, CPK đã đánh những trận lớn chống lại các lực lượng chính phủ mà không cần hoặc có rất ít sự hỗ trợ từ phía quân Bắc Việt Nam, họ kiểm soát gần 60% lãnh thổ Campuchia và 25% dân số.
Chính phủ đã ba lần nỗ lực đàm phán với những người nổi dậy nhưng không mang lại kết quả, nhưng tới năm 1974, CPK đã hoạt động thành những nhóm tách biệt với nhau và một số lực lượng Bắc Việt Nam đã chuyển vào trong Nam Việt Nam. Quyền kiểm soát của Lon Nol bị giảm xuống chỉ còn những vùng bao quanh thành phố và những đường vận chuyển chính. Hơn hai triệu người tị nạn chiến tranh sống ở Phnom Penh và các thành phố khác.
Vào ngày đầu năm 1975, quân cộng sản tung ra một cuộc tấn công kéo dài 117 ngày và vô cùng ác liệt làm sụp đổ chính quyền Cộng hoà Khmer. Những cuộc tấn công đồng thời xung quanh vành đai Phnom Penh ghìm chặt các lực lượng cộng hoà, trong khi các đơn vị của CPK vượt qua và chiếm quyền kiểm soát vùng tiếp tế chiến lược là hạ lưu sông Cửu Long. Một chiến dịch không vận cung cấp vũ khí và lượng thực do Hoa Kỳ thực hiện đã chấm dứt khi Quốc hội nước này từ chối viện trợ thêm cho Campuchia. Phnom Penh và các thành phố khác bị tấn công bằng roket hàng ngày gây ra thương vong cho hàng nghìn thường dân. Chính phủ Lon Nol ở đầu hàng ngày 17 tháng 4--5 ngày sau khi phái đoàn Hoa Kỳ rời khỏi Campuchia.
[sửa] Kampuchea dân chủ (1975-1979)
Ngay sau khi giành chiến thắng, CPK ra lệnh sơ tán dân ra khỏi tất cả các thành phố và thị trấn, đưa những người dân thành thị tới những vùng nông thôn để làm việc như những nông dân, bởi vì CPK đang muốn tái lập lại xã hội thành một hình thức mà Pol Pot đang thai nghén.
Hàng nghìn người đã chết đói và chết vì bệnh tật trước khi CPK giành được chính quyền. Hàng nghìn người chết đói hay chết vì bệnh tật trong thời gian tản cư sau đó và vì những hậu quả của nó. Nhiều người trong số đó bị buộc phải rời khỏi các thành phố và định cư tại những ngôi làng mới được lập nên, thiếu lương thực, dụng cụ lao động, và chăm sóc y tế. Nhiều người từng sống trong các thành phố và đã đánh mất khả năng tự kiếm sống để tồn tại trong môi trường nông nghiệp. Hàng nghìn người chết đói trước khi mùa màng được thu hoạch. Thiếu ăn và suy dinh dưỡng - ở bờ vực của nạn đói – là điều xảy ra liên tục trong nhiều năm. Đa số các lãnh đạo quân sự và dân sự của chế độ cũ, những người không thể che giấu được nhân thân của mình đã bị hành quyết.
Bên trong CPK, những lãnh đạo từng được đào tạo tại Pháp--Pol Pot, Ieng Sary, Nuon Chea, và Son Sen—nắm quyền lực. Một hiến pháp mới vào tháng 1 năm 1976 biến nước Kampuchea dân chủ thành một nước Dân chủ nhân dân cộng sản, và một quốc hội gồm 250 thành viên đại diện cho Nhân dân Kampuchea (PRA) được chọn ra vào tháng 3 để lựa chọn một kiểu lãnh đạo nhà nước tập thể, chủ tịch của ban lãnh đạo đó trở thành nguyên thủ quốc gia.
Hoàng tử Sihanouk từ chức nguyên thủ quốc gia ngày 4 tháng 4. Vào ngày 14 tháng 4, sau khoá họp đầu tiên, PRA thông báo rằng Khieu Samphan sẽ làm chủ tịch hội đồng lãnh đạo quốc gia trong nhiệm kỳ 5 năm. Nó cũng lựa chọn ra 15 thành viên chính phủ do Pol Pot lãnh đạo với chức vụ Thủ tướng. Hoàng tử Sihanouk bị quản thúc tại gia.
Chính phủ mới tìm cách tái cơ cấu hoàn toàn lại xã hội Campuchia. Những tàn tích của xã hội cũ bị xoá bỏ và tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo và Thiên chúa giáo, bị đàn áp. Nông nghiệp được hợp tác hoá, và những gì còn sót lại của một cơ sở công nghiệp bị vứt bỏ hay bị đưa vào dưới quyền kiểm soát của nhà nước. Campuchia không có hệ thống tiền tệ cũng như hệ thống ngân hàng.
Cuộc sống ở nước 'Kampuchea dân chủ' rất ngặt nghèo và bạo tàn. Ở nhiều vùng trong nước, người dân bị bố ráp và bị hành quyết vì tội nói tiếng nước ngoài, đeo kính, bới rác kiếm thức ăn, và thậm chí là than khóc khi có người thân qua đời. Những nhà doanh nghiệp thời trước và các quan chức bị săn đuổi một cách tàn nhẫn và bị giết chết cùng toàn bộ gia đình họ. Khmer đỏ sợ rằng những người đó có lòng tin là họ có thể sẽ đứng lên phản đối lại chế độ của chúng. Một số kẻ trung thành với Khmer đỏ thậm chí còn bị giết vì tội không thể kiếm đủ số ‘phản cách mạng’ để hành quyết.
Những ước tính chính sác về số lượng người đã chết trong giai đoạn 1975 và 1979 vẫn chưa có được, nhưng có lẽ hàng trăm ngàn người đã bị hành quyết tàn nhẫn bởi chế độ đó. Hàng trăm ngàn người chết vì đói và bệnh tật (cả dưới thời Khmer đỏ và thời cai trị của Việt Nam từ năm 1978). Một số ước tính về số người chết trong khoảng từ 1 đến 3 triệu người, trong tổng số dân năm 1975 của nước này là 7.3 triệu. CIA ước tính 50,000-100,000 đã bị hành quyết từ 1975 đến 1979, đa số là ở khoảng thời gian tấn công chiếm đóng của Việt Nam.
Các quan hệ của nước Kampuchea dân chủ với Việt Nam và Thái Lan trở nên xấu đi nhanh chóng và gây ra các cuộc xung đột biên giới và những khác biệt về ý thức hệ. Trong khi là cộng sản thì CPK cũng là người Campuchia từ gốc rễ, và đa số các thành viên từng sống tại Việt Nam của nó đã bị thanh trừng. Kampuchea dân chủ thiết lập những mối quan hệ chặt chẽ với Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, và xung đột Campuchia-Việt Nam đã trở thành một phẩn của sự đối đầu giữa Trung Hoa-Sô viết với sự hỗ trợ của Moscow cho Việt Nam. Các cuộc xung đột biên giới ngày càng tệ hại khi Kampuchea dân chủ tấn công quân sự vào các làng bên trong Việt Nam. Nước này chấm dứt quan hệ với Hà Nội vào tháng 12 năm 1977, phản đối ý định thành lập một Liên bang Đông Dương của Việt Nam. Giữa năm 1978, các lực lượng Việt Nam tấn công Campuchia, tiến sâu khoảng 30 km trước khi mùa mưa diễn ra.
Lý do để Trung Quốc ủng hộ CPK là vì họ muốn ngăn chặn phong trào liên kết toàn thể Đông Dương, và giữ vững ưu thế quân sự Trung Quốc trong vùng. Liên bang xô viết ủng hộ mạnh mẽ cho Việt Nam để giữ một mặt trận thứ hai chống lại Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột giữa họ với Trung Quốc và ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc. Từ khi Stalin qua đời, các quan hệ giữa nước Trung Quốc của Mao Trạch Đông và Liên bang xô viết trở nên lạnh nhạt hơn bao giờ hết. Cuối thập niên 1970 và đầu 1980, giữa Trung Quốc và Việt Nam đã xảy ra một cuộc chiến tranh ngắn (Chiến tranh Trung-Việt) về vấn đề này.
Tháng 12, 1978, Việt Nam thông báo thành lập Mặt trận Kampuchea thống nhất bảo vệ quốc gia (KUFNS) dưới sự lãnh đạo của Heng Samrin, một cựu chỉ huy trong quân đội Kampuchea dân chủ. Nó bao gồm những người Khmer cộng sản còn ở lại Việt Nam sau năm 1975 và các viên chức ở khu vực phía đông – như Heng Samrin và Hun Sen – người từng chạy sang Việt Nam từ Campuchia năm 1978. Cuối tháng 12, 1978, các lực lượng Việt Nam tấn công tổng lực vào Campuchia, chiếm Phnom Penh ngày 7 tháng 1, và đuổi những tàn quân của nước Kampuchea dân chủ chạy về phía tây sang Thái Lan.
[sửa] Campuchia hiện đại
Campuchia rơi vào một cuộc nội chiến trong thập niên 1980. Các nỗ lực khôi phục hoà bình diễn ra sôi động trong thời gian 1989 và 1991 với hai hội nghị quốc tế ở Paris, và một phái đoàn gìn giữ hoà bình Liên Hiệp Quốc giúp đỡ duy trì ngừng bắn.
Cuộc bầu cử do Liên Hiệp Quốc tổ chức năm 1993 đã khôi phục tình trạng hoà bình và hạn chế nhanh chóng quy mô của Khmer đỏ vào giữa thập niên 1990. Norodom Sihanouk lại được lập làm vua. Một chính phủ liên hiệp, được lập ra sau cuộc tuyển cử toàn quốc năm 1998, mang lại tình trạng ổn định chính trị. Norodom Ranarit làm Thái Tử, thủ tướng, nắm quyền.
Đảng Nhân dân Camphuchia dần dần dẹp yên Khmer đỏ và thanh trừng các thành phần Hoàng Gia chống đối. Các lực lượng Khmer đỏ cuối cùng phải đầu hàng năm 1998. Norodom Ranarit bị phế trất sau những âm mưu ám sát Hun Sen. Hoàng thân Norodom Sihamoni được vua cha truyền ngôi, Norodom Sihanouk ở lại Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.
Campuchia xây dụng quân hệ thân thiện với nhiều nước trên thế giới, gia nhập WTO. Đối nội, Đảng Nhân dân Camphuchia củng cố quyền lực nhà nước, phát triển kinh tế từng bước.
[sửa] Xem thêm
[sửa] Ghi chú
- ^ P.Pelliot, Le Fou Nan, Hanoi 1903
- ^ P.Pelliot, Le Fou Nan, Hanoi 1903
- ^ Lịch sử VN từ nguồn gốc tới TK X-Phần Quốc gia cổ Phù Nam-Nguyễn Cảnh Minh p.148-149
- ^ Sambór Prei Kuk, K.440
- ^ Những mẩu chuyện Lịch sử Thế giới tập II-Đặng Đức An p 265
- ^ Davidson, Phillip B. Vietnam at War: The History 1946-1975. 1988. P. 593
- ^ In October 40,000 North Vietnamese soldiers entered Central Cambodia with Sihanouk's approval.
- ^ The Encyclopedia of World History. Ed. Peter N. Stearns. 2001. P. 1012
[sửa] Tham khảo
- State Department Background Note: Cambodia
- Summary of UNTAC mission [1]
- Tiêu bản:Loc - Cambodia
- Mekong Network