Lý Quang Diệu
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Lý Quang Diệu | |
Thủ tướng đầu tiên của Singapore | |
---|---|
Nhiệm kỳ | |
3 tháng 6, 1959 – 28 tháng 11, 1990 | |
Phó thủ tướng | Đỗ Tiến Tài (1959–1968) Ngô Khánh Thụy (1968–1984) |
Đảng | Hành động Nhân dân (PAP) |
Sinh | 16 tháng 9, 1923 Singapore |
Phu nhân | Kha Ngọc Chi |
Lý Quang Diệu (tiếng Anh: Lee Kuan Yew, đôi khi cũng viết là Lee Kwan-Yew; tiếng Hán: 李光耀; bính âm: Lǐ Guāngyào; sinh ngày 16 tháng 9 năm 1923) là thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hoà Singapore, ông đảm nhiệm chức vụ này từ năm 1959 đến năm 1990. Mặc dù đã rời bỏ chức vụ, hiện nay ông vẫn được xem là chính khách có ảnh hưởng lớn thứ nhì tại đảo quốc này (chỉ sau thủ tướng). Ông tiếp tục phục vụ trong chính phủ của thủ tướng Ngô Tác Đống trong cương vị Bộ trưởng cao cấp. Hiện nay Lý Quang Diệu đang giữ một chức vụ được kiến tạo riêng cho ông, Bộ trưởng Cố vấn (Minister Mentor) dưới quyền lãnh đạo của con trai ông, Lý Hiển Long, thủ tướng thứ ba của Singapore (nhậm chức ngày 12 tháng 8 năm 2004), và là người thứ hai thuộc gia tộc Lý đảm nhiệm cương vị này. Ông còn được biết đến trong vòng thân bằng quyến hữu với tên "Harry".
Mục lục |
[sửa] Xuất thân
Theo cuốn hồi ký của ông, Lý Quang Diệu là thế hệ thứ tư thuộc một gia đình người Khách Gia định cư tại Singapore: ông cố Lee Bok Boon (sinh năm 1846), rời bỏ quê nhà thuộc huyện Đại Bộ, tỉnh Quảng Đông để đến Singapore vào năm 1862, lúc đó là thuộc địa Anh dưới tên gọi "Các khu định cư Eo biển" (Straits Settlements).
Là con trai đầu của ông Lee Chin Koon và bà Chua Jim Neo, Lý Quang Diệu chào đời trong một nhà lều rộng và thoáng tại số 92 đường Kampong Java, Singapore.Tuy nhiên , có một số nguồn tin không chính thức cho rằng Lý Quang Diệu là con trai của một người Hoa và một phụ nữ Việt Nam,ông được sinh ra ở tỉnh Đồng Nai, sau đó được một thầy tướng số người Hoa coi số mệnh là quý nhân nên đã đem sang Singapore. Ngay từ khi còn bé, văn hoá Anh đã có ảnh hưởng đậm nét trên ông, một phần là do ông nội ông, Lee Hoon Leong, đã cho các con trai của mình hấp thụ nền giáo dục của Anh. Ấy là ông nội đã cho cậu bé Lý tên Harry để thêm vào tên Quang Diệu mà người cha đặt cho con mình.
Ngày 30 tháng 9 năm 1950, Lý Quang Diệu kết hôn với Kha Ngọc Chi (Kwa Geok Choo). Họ có hai con trai và một con gái.
Vài thành viên trong gia tộc Lý đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong xã hội Singapore, các con trai và con gái của ông hiện giữ các chức vụ cao cấp trong chính quyền hoặc liên quan đến chính quyền.
Cậu con cả, Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong), cựu chuẩn tướng quân đội, từ năm 2004 là Bộ trưởng Tài chính và nay là Thủ tướng đương nhiệm. Lý Hiển Long cũng là Phó chủ tịch Ban quản trị Công ty Đầu tư Singapore (Lý Quang Diệu là chủ tịch). Con trai thứ của ông Lý, Lý Hiển Dương (Lee Hsien Yang), cựu chuẩn tướng, hiện là chủ tịch và tổng giám đốc của Sing Tel, một tập đoàn truyền thông xuyên châu Á, cũng là công ty lớn nhất trong thị trường tư bản (liệt kê trên thị trường chứng khoán Singapore, SGX). Bảy mươi hai phần trăm cổ phần của Sing Tel thuộc quyền sở hữu của công ty Temasek Holdings, một công ty đầu tư của chính phủ có cổ phần nắm quyền kiểm soát tại những công ty có liên hệ với chính phủ như Singapore Airlines và ngân hàng DBS. Giám đốc điều hành của Tamasek Holdings là Ho Ching (Hà Tinh), vợ của thủ tướng Lý Hiển Long, con trai đầu của Lý Quang Diệu. Con gái của ông Lý, Lee Wei Ling, lãnh đạo Viện Khoa học Thần kinh Quốc gia, đến nay vẫn sống độc thân. Vợ của Lý Quang Diệu, Kwa Geok Choo từng là thành viên của công ty luật nổi tiếng Lee & Lee. Các em trai của ông, Dennis, Freddy và Suan Yew đều là thành viên của công ty luật nói trên. Ông có một em gái tên Monica. Lý Quang Diệu luôn bác bỏ mọi cáo buộc về gia đình trị, cho rằng những vị trí đặc quyền mà các thành viên trong gia đình ông có được là nhờ những nỗ lực bản thân.
[sửa] Đầu đời
Lý Quang Diệu theo học tại trường tiểu học Telok Kurau, Học viện Raffles và Đại học Raffles. Ông phải bỏ dở việc học khi Nhật Bản chiếm đóng Singapore suốt những năm 1942-1945 trong Đệ nhị thế chiến. Trong thời kỳ chiếm đóng, ông vận hành hiệu quả những thương vụ chợ đen tiêu thụ một loại keo tapioca gọi là Stikfas. Bắt đầu học tiếng Hán và tiếng Nhật từ năm 1942, ông làm việc với người Nhật trong công việc của một người ghi chép những bức điện báo của phe Đồng Minh, cũng như biên tập bản tiếng Anh cho tờ Hodobu (thuộc ban thông tin tuyên truyền của người Nhật) từ năm 1943 đến năm 1944.
Sau chiến tranh, ông theo học luật tại Đại học Fitzwilliam, Đại học Cambridge tại Anh, và trong một thời gian ngắn, theo học tại Trường Kinh tế Luân Đôn. Năm 1949, Lý Quang Diệu trở về Singapore và hành nghề luật sư tại Laycock và Ong, một công ty luật của John Laycock, một nhà tiên phong trong các hoạt động đa chủng tộc, người cùng với A.P. Rajah và C.C. Tan, thành lập câu lạc đa chủng đầu tiên tại Singapore, thâu nhận người châu Á.
[sửa] Sự nghiệp chính trị (1951–1959)
[sửa] Trước thời kỳ Đảng Hành động Nhân dân
Kinh nghiệm đầu tiên của Lý Quang Diệu trên chính trường Singapore là vai trò một nhân viên vận động bầu cử cho ông chủ John Laycock dưới ngọn cờ của Đảng Tiến bộ (Progressive Party) thân Anh, trong cuộc bầu cử hội đồng lập pháp năm 1951. Song, Lý Quang Diệu dần dần nhận ra hậu vận đen tối của chính đảng này do thiếu sự ủng hộ của quần chúng, nhất là của giới lao động thuộc cộng đồng nói tiếng Hoa. Nhân tố này là đặc biệt quan trọng khi ủy ban Rendel, vào năm 1953, quyết định mở rộng quyền bầu cử cho tất cả người dân sinh tại địa phương, làm gia tăng đáng kể số cử tri người Hoa. Lý Quang Diệu tiến đến ngả rẽ chính trị của mình khi ông tham gia tư vấn pháp lý cho các nghiệp đoàn thương mại và sinh viên. Các nghiệp đoàn này cung cấp cho ông mối quan hệ với giới công nhân nói tiếng Hoa (về sau, đảng Hành động Nhân dân của ông sử dụng mối quan hệ lịch sử này như là một công cụ đàm phán trong các tranh chấp công nghiệp).
[sửa] Thành lập Đảng Hành động Nhân dân
Ngày 21 tháng 11 năm 1954, Lý Quang Diệu cùng với một nhóm bạn hữu thuộc giai cấp trung lưu có học vấn Anh, những người mà ông miêu tả là "những tay tư sản nghiện bia", thành lập Đảng Hành động Nhân dân (People's Action Party, PAP) có khuynh hướng xã hội và liên minh với các nghiệp đoàn theo chủ nghĩa cộng sản. Một hội nghị sáng lập được tổ chức tại Victoria Memorial Hall, sảnh đường đầy cứng với 1.500 người ủng hộ và thành viên nghiệp đoàn. Lý Quang Diệu trở thành Tổng thư ký, chức vụ mà ông nắm giữ cho đến năm 1992, ngoại trừ một thời gian ngắn trong năm 1957. Tunku Abdul Rahman của Đảng UMNO và Tan Cheng Lock của MCA được mời làm quan khách nhằm tăng uy tín cho đảng vừa mới ra đời.
[sửa] Đối lập
Lý Quang Diệu ra tranh cử và dành được chiếc ghế đại diện cho Tanjong Pagar trong cuộc tuyển cử năm 1955. Ông trở nên nhà lãnh đạo phe đối lập, chống lại chính phủ liên hiệp dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Lao động của David Saul Marshall. Ông cũng là một trong số hai đại diện của PAP đến tham dự những cuộc thương thảo về hiến pháp tổ chức tại Luân Đôn; cuộc thương thảo lần thứ nhất đặt dưới sự hướng dẫn của Marshall, lần thứ hai của Lim Yew Hock. Chính trong giai đoạn này Lý Quang Diệu phải đấu tranh với các đối thủ cả trong lẫn ngoài đảng PAP.
[sửa] Thủ tướng, trước khi độc lập (1959–1965)
[sửa] Chính phủ tự trị (1959-1963)
Trong cuộc bầu cử toàn quốc ngày 1 tháng 6 năm 1959, PAP dành được 43 trong tổng số 51 ghế trong hội đồng lập pháp. Singapore dành quyền tự trị trong mọi lĩnh vực của đất nước ngoại trừ quốc phòng và ngoại giao, Lý Quang Diệu trở thành thủ tướng đầu tiên của quốc gia này vào ngày 3 tháng 6 năm 1959, thay thế thủ tướng Lim Yew Hock. Trước khi nhậm chức ông yêu cầu trả tự do cho Lim Chin Siong và Devan Nair, hai người này đã bị giam giữ bởi chính phủ Lim Yew Hock.
Sau khi dành được quyền tự trị từ tay người Anh, Singapore phải đối diện với nhiều vấn đề xã hội như giáo dục, nhà ở và tình trạng thất nghiệp. Lý Quang Diệu cho thành lập Ban phát triển gia cư để bắt đầu chương trình xây dựng chung cư hầu làm giảm nhẹ sự thiếu hụt nhà ở.
[sửa] Sáp nhập rồi tách khỏi Malaysia (1963–1965)
Sau khi thủ tướng của Malaya, Tunku Abdul Rahman, đưa ra đề nghị thành lập một liên bang bao gồm Mã Lai, Singapore, Sabah, Sarawak và Brunei vào năm 1961, Lý Quang Diệu khởi phát chiến dịch đòi sáp nhập với Malaysia với mục đích chấm dứt sự cai trị của người Anh. Sử dụng những kết quả thu được từ cuộc trưng cầu dân ý tổ chức ngày 1 tháng 9 năm 1962, theo đó có đến 70% lá phiếu ủng hộ đề nghị của mình, Lý Quang Diệu tuyên bố nhân dân đứng về phía ông. Suốt trong chiến dịch Coldstore, Lý Quang Diệu tìm cách loại bỏ những thành phần chống đối kế hoạch sáp nhập.
Ngày 16 tháng 9 năm 1963, Singapore trở nên một phần của Liên bang Malaysia. Tuy nhiên, liên bang này không tồn tại được lâu. Chính quyền trung ương Malaysia, dưới sự lãnh đạo của Tổ chức Liên hiệp Dân tộc Mã Lai (UMNO), tỏ ra quan ngại về thành phần đa số của người Hoa ở Singapore cũng như những thách thức chính trị của PAP tại Malaysia. Lý Quang Diệu công khai chống lại chủ trương dân tộc cực đoan Mã Lai (bumiputra). Mối quan hệ giữa PAP và UMNO trở nên căng thẳng gay gắt. Một số người trong UMNO muốn bắt giữ ông.
Bạo động chủng tộc bùng nổ sau đó gần Kallang Gasworks vào dịp sinh nhật tiên tri Mohamet (ngày 21 tháng 6 năm 1964), có 25 người thiệt mạng khi người Hoa và người Mã Lai tấn công lẫn nhau. Đến nay vẫn còn tranh cãi về nguyên nhân của cuộc bạo động này, có người cho rằng một người Hoa đã ném chai lọ vào đám đông người Mã Lai trong khi có người nghĩ ngược lại, cho rằng một người Mã Lai đã làm điều này. Thêm những vụ bạo động bùng nổ trong tháng 9 năm 1964, khi đám đông cướp phá xe hơi và các cửa hiệu, khiến cả Tunku Abdul Rahman và Lý Quang Diệu phải xuất hiện trước công chúng nhằm xoa dịu tình hình. Trong lúc này giá thực phẩm tăng cao do tắc nghẽn giao thông, làm cho tình hình càng xấu hơn.
Không tìm ra phương cách giải quyết cuộc khủng hoảng, Tunku Abdul Rahman chọn lấy quyết định trục xuất Singapore ra khỏi Malyasia, "cắt đứt mọi quan hệ với chính quyền của một tiểu bang đã không đưa ra bất cứ biện pháp nào chứng tỏ lòng trung thành với chính quyền trung ương". Lý Quang Diệu cố gắng xoay sở để tìm ra một thỏa hiệp nhưng không thành công. Sau đó, do sự thuyết phục của Ngô Khánh Thụy (Goh Keng Swee), ông nhận ra rằng ly khai là điều không thể tránh khỏi. Ngày 7 tháng 8 năm 1965, Lý Quang Diệu ký thoả ước ly khai, trong đó có bàn về mối quan hệ sau ly khai với Malaysia hầu có thể tiếp tục duy trì sự hợp tác trong những lãnh vực như thương mại và quốc phòng.
Đây là một đòn nặng đánh vào Lý Quang Diệu, vì ông tin rằng sự hợp nhất là yếu tố căn cốt cho sự tồn vong của Singapore. Trong cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp, oà vỡ trong xúc cảm, Lý Quang Diệu thông báo với dân chúng về quyết định ly khai:
- "Đối với tôi, đây là một khoảnh khắc đau thương. Suốt cuộc đời tôi, suốt cuộc đời trưởng thành của tôi, tôi luôn tin tưởng vào sự kết hợp và thống nhất của hai vùng lãnh thổ... Ngay lúc này, tôi, Lý Quang Diệu, Thủ tướng Singapore, nhân danh nhân dân và chính quyền Singapore, tuyên bố rằng kể từ hôm nay, ngày 9 tháng 8 năm 1965, Singapore sẽ vĩnh viễn là một quốc gia độc lập, dân chủ với đầy đủ chủ quyền, lập nền trên những nguyên lý của quyền tự do và công bằng hầu mưu tìm phúc lợi và hạnh phúc cho nhân dân đang sinh sống trong một xã hội tối hảo, công bằng và bình đẳng".
Cũng trong ngày ấy, 9 tháng 8 năm 1965, Quốc hội Malaysia biểu quyết thông qua nghị quyết cắt đứt quan hệ với tiểu bang Singapore, như vậy nước Cộng hoà Singapore được hình thành. Tân quốc không có tài nguyên thiên nhiên, không có nguồn nước và khả năng quốc phòng thì hết sức nhỏ bé. Nay Lý Quang Diệu phải đứng ra gánh vác trọng trách xây dựng đảo quốc mới vừa được khai sinh này.
[sửa] Thủ tướng, sau độc lập (1965–1990)
Trong quyển hồi ký của mình, Lý Quang Diệu nói rằng ông không thể ngủ ngon và ngã bệnh sau ngày Singapore độc lập. Sau khi nghe Cao uỷ John Robb tường trình về hoàn cảnh của Lý Quang Diệu, Thủ tướng Anh Harold Wilson bày tỏ những quan ngại của mình và nhận được phúc đáp của Lý Quang Diệu:
- "Đừng lo cho Singapore. Đồng sự của tôi và tôi là những người tỉnh táo và chừng mực, ngay cả trong thời điểm đau buồn này. Chúng tôi sẽ cân nhắc mọi hệ luỵ có thể xảy ra khi quyết định cho bất cứ động thái nào trên bàn cờ chính trị...".
Lý Quang Diệu khởi sự tìm kiếm sự công nhận của quốc tế cho quốc gia Singapore độc lập. Ngày 21 tháng 9 năm 1965, Singapore gia nhập Liên Hiệp Quốc, và ngày 8 tháng 8 năm 1967, gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ngày 25 tháng 5 năm 1973, Lý Quang Diệu chính thức viếng thăm Indonesia, chỉ vài năm sau chính sách đối đầu (Konfrontasi) dưới chế độ của Sukarno. Quan hệ giữa Singapore và Indonesia có những bước cải thiện căn bản nhờ những cuộc viếng thăm qua lại sau đó giữa hai nước.
Vì Singapore chưa bao giờ có một nền văn hoá chủ đạo để dân nhập cư có thể hoà nhập, cũng không có một ngôn ngữ chung, trong hai thập niên 1970 và 1980, cùng với các nỗ lực từ chính phủ và đảng cầm quyền, Lý Quang Diệu cố gắng kiến tạo một bản sắc chung cho Singapore.
Lý Quang Diệu và chính quyền luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chủ trương bao dung tôn giáo và hoà hợp chủng tộc, sẵn sàng sử dụng luật pháp để chống lại bất kỳ hiểm hoạ nào có thể kích hoạt bạo động tôn giáo và chủng tộc. Điển hình, Lý Quang Diệu đã cảnh cáo "việc truyền bá phúc âm cách thiếu nhạy cảm" khi đề cập đến những trường hợp người Cơ Đốc chia sẻ đức tin của mình cho người Mã Lai (tuyệt đại đa số theo Hồi giáo). Năm 1974, chính phủ khuyến cáo Thánh Kinh Hội Singapore nên ngưng xuất bản các ấn phẩm tôn giáo bằng tiếng Mã Lai.
[sửa] Chính sách
Trong cương vị lãnh đạo quốc gia suốt trong thời kỳ hậu độc lập, ông Lý có ba mối quan tâm chính: an ninh quốc gia, kinh tế và những vấn đề xã hội.
[sửa] An ninh quốc gia
Tính dễ bị tổn thương của Singapore luôn được cảm nhận sâu sắc khi xảy ra các mối đe doạ từ nhiều phía khác nhau, trong đó có Indonesia (với chính sách đối đầu), cũng như thành phần cực đoan trong đảng UMNO, những người này muốn đem Singapore trở về với Malaysia. Ngay khi Singapore được gia nhập Liên Hiệp Quốc, Lý Quang Diệu vội vàng tìm kiếm sự công nhận của quốc tế dành cho nước Singapore độc lập. Theo gương Thuỵ Sĩ, ông tuyên bố chính sách trung lập và không liên kết. Cùng lúc, ông giao cho Goh Keng Swee trọng trách xây dựng Lực lượng vũ trang Singapore và xin trợ giúp từ các quốc gia khác trong các lãnh vực tư vấn, huấn luyện và cung ứng quân dụng.
Năm 1967, khi người Anh tỏ ý cắt giảm hoặc triệt thoái quân đội khỏi Singapore và Malaysia, Lý Quang Diệu và Goh đưa ra chương trình quân dịch National Service nhằm phát triển một lực lượng trừ bị qui mô có thể huy động trong một thời gian ngắn. Tháng 1 năm 1968, ông mua một ít xe tăng AMX-13 do Pháp chế tạo, đến năm 1972, tổng số xe tăng tân trang được mua là 72 chiếc.
Sau này, Singapore thiết lập quan hệ quân sự với các quốc gia thành viên của ASEAN, với Hiệp ước Phòng thủ Ngũ Cường (Five-Powers Defense Agreement, FPDA) và các nước khác, giúp phục hồi nền an ninh quốc gia sau cuộc triệt thoái ngày 31 tháng 10 năm 1971 của quân đội Anh.
[sửa] Kinh tế
Tách rời khỏi Malaysia có nghĩa là mất luôn thị trường chung và thị trường nội địa. Khó khăn càng chồng chất khi quân đội Anh triệt thoái làm mất thêm 50.000 chỗ làm. Mặc dù người Anh ủng hộ những cam kết trước đó duy trì các căn cứ quân sự cho đến năm 1975, Lý Quang Diệu không muốn làm căng thẳng mối quan hệ với Luân Đôn. Ông tìm cách thuyết phục Harold Wilson cho phép chuyển đổi các cơ sở quân sự (như xưởng sửa chửa và đóng tàu của hải quân) cho các mục đích dân sự, thay vì phá huỷ chúng như theo luật của nước Anh. Với sự tư vấn của Tiến sĩ Albert Winsemus, Lý Quang Diệu dẫn đưa Singapore vào con đường công nghiệp hoá. Năm 1961, Ban Phát triển Kinh tế được thành lập với nhiệm vụ thu hút đầu tư nước ngoài, đưa ra những ưu đãi thuế hấp dẫn và xây dựng một lực lượng lao động lương thấp nhưng có kỷ luật lao động và tay nghề cao. Đồng thời chính phủ duy trì biện pháp kiểm soát chặt chẽ nền kinh tế, ban hành những qui định về phân phối đất đai, lao động và nguồn vốn. Tiến hành xây dựng hạ tầng cơ sở hiện đại như phi trường, hải cảng, đường sá và mạng lưới truyền thông. Ban Xúc tiến Du lịch cũng được thành lập để phát triển du lịch và tạo thêm việc làm. Trong vai trò lãnh đạo công cuộc xây dựng và phát triển nền kinh tế Singapore, Lý Quang Diệu nhận được sự hỗ trợ từ những bộ trưởng tài năng nhất, đặc biệt là Goh Keng Swee và Hon Sui sen. Họ cố xoay sở để hạ giảm tỷ lệ ngưòi thất nghiệp từ 14% trong năm 1965 xuống còn 4,5% vào năm 1973.
[sửa] Ấn định ngôn ngữ chính thức
Lý Quang Diệu chọn Anh ngữ là ngôn ngữ công sở và ngôn ngữ chung cho các chủng tộc khác nhau, trong khi vẫn công nhận tiếng Mã Lai, tiếng Trung Hoa và tiếng Tamil là ngôn ngữ chính thức. Hầu hết trường học đều sử dụng tiếng Anh như là chuyển ngữ cho học tập, mặc dù tiếng mẹ đẻ vẫn được dạy trong trường học.
Lý Quang Diệu khuyến khích người dân ngưng sử dụng các phương ngữ của tiếng Hoa, và phát triển tiếng Phổ thông (Mandarin) như một ngôn ngữ thay thế, chiếm lấy vị trí "tiếng mẹ đẻ" với mục tiêu xây dựng một ngôn ngữ giao tiếp chung cho cộng đồng người Hoa. Năm 1979, Lý Quang Diệu chính thức phát động phong trào nói tiếng Hoa phổ thông. Ông cho hủy bỏ tất cả chương trình truyền hình bằng tiếng địa phương, ngoại trừ các chương trình tin tức và nhạc kịch (phục vụ cho người lớn tuổi). Biện pháp này đã làm suy tàn các phương ngữ của tiếng Hoa; ngày nay người ta nhận ra rằng giới trẻ Singapore gốc Hoa không còn thông thạo khi sử dụng phương ngữ tiếng Hoa, vì vậy họ gặp nhiều khó khăn khi tiếp xúc với ông bà của họ là những người chỉ biết nói tiếng Hoa địa phương.
Trong thập kỷ 1970, sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Nanyang nói tiếng Hoa gặp trở ngại khi kiếm việc làm vì không thông thạo tiếng Anh, ngôn ngữ cần có tại chỗ làm, đặc biệt là trong khu vực công. Lý Quang Diệu phải sử dụng biện pháp triệt để bằng cách sáp nhập Đại học Nanyang vào Đại học Singapore để trở thành Đại học Quốc gia Singapore. Động thái này gây ảnh hưởng lớn trên các giáo sư nói tiếng Hoa vì họ buộc phải dạy bằng tiếng Anh. Những người có công xây dựng Đại học Nanyang cũng lên tiếng chống đối vì những tình cảm ràng buộc với trường này.
[sửa] Qui chế chính phủ
Giống các quốc gia châu Á khác, Singapore cũng không miễn nhiễm đối với nạn tham nhũng. Lý Quang Diệu nhận thức rõ rằng tham nhũng là một trong những nguyên do dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Trung Hoa Dân quốc tại Trung Hoa. Ông ban hành những luật lệ cần thiết dành cho Văn phòng Điều tra Tham nhũng (Corrupt Practices Investigation Bureau, CPIB) nhiều quyền hạn hơn để bắt giữ, lục soát, triệu tập nhân chứng, điều tra các tài khoản ngân hàng và các khoản hoàn trả thuế lợi tức của những cá nhân bị tình nghi cùng với gia đình của họ. Với sự ủng hộ của Lý Quang Diệu, CPIB được giao thẩm quyền tiến hành các cuộc điều tra đối với bất kỳ viên chức hoặc bộ trưởng nào. Trong thực tế, sau đó đã có vài bộ trưởng bị cáo buộc tham nhũng.
Lý Quang Diệu tin rằng các bộ trưởng nên được trả lương cao để duy trì một chính quyền sạch và chân thật. Năm 1994, ông đề nghị nối kết mức lương của bộ trưởng, thẩm phán và viên chức công quyền cao cấp với mức lương của giới chuyên nghiệp hàng đầu trong khu vực tư, vì ông cho rằng như thế sẽ giúp tuyển mộ và duy trì nhiều tài năng phục vụ trong khu vực công.
Năm 1983, Lý Quang Diệu gây ra nhiều tranh cãi gay gắt về hôn nhân khi ông lên tiếng khuyến khích nam giới Singapore kết hôn với phụ nữ thuộc thành phần học thức. Ông bày tỏ mối quan ngại khi hiện có nhiều phụ nữ đã tốt nghiệp đại học vẫn chưa lập gia đình. Một số nhóm dân cư, trong đó có những phụ nữ tốt nghiệp đại học, tỏ ra giận dữ vì quan điểm này. Dù vậy, một cơ quan môi giới hôn nhân, Social Development Unit, đã được thành lập nhằm tạo điều kiện giao tiếp cho những người tốt nghiệp đại học của cả hai giới. Ông cũng đưa ra những biện pháp khuyến khích các bà mẹ học thức có ba hoặc bốn con, đảo ngược chiến dịch kế hoạch hoá gia đình "chỉ nên có hai con" trong hai thập niên 1960 và 1970.
[sửa] Bang giao với Malaysia
[sửa] Mahathir bin Mohamad
Lý Quang Diệu mong muốn cải thiện quan hệ với Mahathir bin Mohamad ngay từ khi Mahathir được bổ nhiệm vào chức vụ phó thủ tướng. Nhận biết rằng Mahathir đang ở vị trí chuẩn bị cho chức thủ tướng Malaysia, năm 1978 ông mời Mahathir (thông qua tổng thống Singapore lúc ấy là Devan Nair) đến thăm Singapore. Cuộc viếng thăm lần đầu và những lần sau đó giúp cải thiện mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo cũng như mối bang giao giữa hai quốc gia. Mahathir yêu cầu Lý Quang Diệu cắt đứt quan hệ với các thủ lãnh gốc Hoa thuộc đảng Hành động Dân chủ (tại Malaysia); đổi lại, Mahathir cam kết không can thiệp vào các vấn đề của người Singapore gốc Mã Lai.
Tháng 12 năm 1981, Mahathir quyết định thay đổi múi giờ của bán đảo Mã Lai để tạo nên một múi giờ thống nhất cho toàn thể đất nước Malaysia, Lý Quang Diệu chấp nhận sự thay đổi này vì những lý do kinh tế và xã hội. Nhờ vậy, mối quan hệ giữa hai phía càng được cải thiện trong năm 1982.
Tháng 1 năm 1984, Mahathir áp đặt thuế RM100 trên tất cả phương tiện vận chuyển từ Malaysia sang Singapore. Khi Musa Hitam cố phản đối chính sách này của Mahathir, thuế suất được tăng gấp đôi với mục đích ngăn cản việc sử dụng cảng biền của Singapore, vì vậy một sự đổ vỡ trong bang giao giữa hai nước trở nên rõ ràng.
Tháng 6 năm 1988, Lý Quang Diệu và Mahathir tiến tới một thoả thuận chung tại Kualar Lumpur về việc xây dựng đập Linggui trên sông Johor. Năm 1989, Lý Quang Diệu tìm cách thăm dò lập trường của Mahathir khi muốn dời những trạm hải quan đường sắt từ Tanjong Pagar ở miền Nam Singapore đến Woodlands ở đoạn cuối Causeway, một phần do sự gia tăng nạn buôn lậu ma tuý vào Singapore. Điều này gây bất bình tại Malaysia, vì một vùng đất sẽ thuộc về Singapore khi đường sắt ngưng hoạt động. Mahathir giao cho Daim Zainuddin, khi ấy là bộ trưởng tài chính Malaysia, giải quyết vấn đề này.
Sau nhiều tháng thương thảo, hai bên đạt được thỏa thuận cùng phát triển ba vùng đất ở Tanjong Pagar, Kranji và Woodlands. Malaysia được 60% vùng đất, trong khi phần của Singapore là 40%. Thoả ước được ký kết ngày 27 tháng 11 năm 1990, một ngày trước khi Lý Quang Diệu nghỉ hưu.
[sửa] Bộ trưởng Cao cấp (1990–2004)
Sau khi lãnh đạo đảng PAP dành được chiến thắng trong 7 cuộc bầu cử, ngày 28 tháng 11 năm 1990, Lý Quang Diệu quyết định về hưu và bàn giao chức vụ thủ tướng cho Ngô Tác Đống (Goh Chok Tong). Ông là chính khách có quãng thời gian dài nhất phục vụ trong cương vị thủ tướng.
Cuộc chuyển giao quyền lãnh đạo được chuẩn bị và tiến hành hết sức chu đáo. Chu trình tuyển chọn và đào tạo thế hệ lãnh đạo thứ hai khởi sự từ đầu thập niên 1970. Trong thập niên 1980, Goh và các nhà lãnh đạo trẻ tuổi khác bắt đầu đảm nhận các vị trí quan trọng trong nội các. Trước cuộc chuyển giao, tất cả các nhà lãnh đạo thế hệ thứ nhất ("những cựu binh") đều về hưu, kể cả Ngô Khánh Thụy (Goh Keng Swee), S. Rajaratnam và Đỗ Tiến Tài (Toh Chin Chye). Vì được chuẩn bị tốt, cuộc chuyển giao không gây ra bất cứ biến động nào, mặc dù đây là cuộc chuyển giao quyền lực lần đầu tiên kể từ khi Singapore độc lập.
Khi Ngô Tác Đống đảm nhận vị trí lãnh đạo chính phủ, Lý Quang Diệu vẫn tiếp tục ở lại nội các trong cương vị bộ trưởng cao cấp và đưa ra những tư vấn. Trước công chúng, ông vẫn thường nhắc đến Goh như là "thủ tướng của tôi" để bày tỏ sự tôn trọng dành cho thẩm quyền của Goh. Tuy vậy, quan điểm của ông vẫn được lắng nghe trong công luận và trong các buổi họp nội các. Ông vẫn tiếp tục hành xử ảnh hưởng đặc biệt to lớn trên đảo quốc này và ông cũng sẵn lòng sử dụng ảnh hưởng ấy khi cần thiết. Như ông đã phát biểu trong ngày Quốc khánh năm 1988:
- "Ngay cả khi nằm trên giường bệnh, ngay cả khi các bạn đem tôi đi an táng, nếu tôi nhận thấy đang xảy ra một điều gì sai trái, tôi sẽ ngồi dậy ngay".
Lý Quang Diệu cố tự kìm chế không can thiệp vào các biện pháp của chính phủ đối với các nước ASEAN, trong đó có Malaysia, vì không muốn dẫm chân người kế nhiệm Ngô Tác Đống. Dù vậy, ông vẫn giữ vai trò quan trọng trong các vấn đề kinh tế như thoả thuận với phó tổng thống Li Lanqing ngày 26 tháng 2 năm 1994 về việc chuyển đổi phần mềm hành chính công về quản trị và phát triển của Khu công nghiệp Suzhou.
[sửa] Bộ trưởng Cố vấn (2004 đến nay)
Ngày 12 tháng 8 năm 2004, Ngô Tác Đống rút lui để bàn giao chức vụ thủ tướng cho Lý Hiển Long, con trai đầu của Lý Quang Diệu. Goh trở nên bộ trưởng cao cấp và ông Lý đảm nhiệm một chức vụ mới được thành lập, Bộ trưởng Cố vấn (Minister Mentor).
Mặc dù chống đối bài bạc trong "cảm xúc và trí tuệ", Lý Quang Diệu không hành động chống lại đề án của Lý Hiển Long cho phép thành lập casino trên lãnh thổ Singapore. Ông nói: "Có casino hay không là điều mà những nhà lãnh đạo mới phải quyết định".
Gần đây, Lý Quang Diệu bày tỏ những quan ngại về ảnh hưởng đang suy giảm của tiếng Hoa phổ thông trong giới trẻ Singapore. Trong một bài diễn văn đọc trước quốc hội, ông nói: "Người Singapore cần phải học để thông thạo cả tiếng Anh và tiếng Hoa phổ thông". Sau đó, vào tháng 1 năm 2005, ông cho xúc tiến một chương trình truyền hình gọi là Cool, trong nỗ lực thu hút giới trẻ đến với tiếng Hoa phổ thông.
Ngày 12 tháng 6 năm 2005, trong một cuộc phỏng vấn thực hiện bởi Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), ông Lý nhấn mạnh đến nhu cầu liên tục đào tạo những nhân tài lãnh đạo đất nước, ông nói:
- "Chúng ta cần những nhà lãnh đạo là những người có tầm nhìn xa và rộng, có đầu óc minh mẫn và phóng khoáng, có khả năng nắm bắt cơ hội như chúng ta đã làm ... Nhiệm vụ của tôi là tìm ra người kế nhiệm xứng đáng. Tôi đã tìm ra họ, và họ đang ở đây; bây giờ đến lượt họ phải tìm ra người kế nhiệm cho mình. Như thế cần có sự liên tục tìm kiếm và đào tạo những nhà lãnh đạo có năng lực, chân thật, tận tuỵ và tài năng, là những người làm việc không phải vì mình, mà vì nhân dân và đất nước".
[sửa] Giá trị và niềm tin
Lý Quang Diệu là một trong số những người ủng hộ các giá trị châu Á, mặc dù cách giải thích của ông về các giá trị này thường gây tranh cãi. Trong thập kỷ 1980, ông tích cực cổ xuý các giá trị châu Á như Khổng học, hoặc ở mức độ ít hơn, các đức hạnh của Phật giáo. Điều này được thể hiện trong những lần viếng thăm của ông đến các đền chùa Trung Hoa.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo The Straits Times, ông nói rằng ông là người theo thuyết bất khả tri (agnostic).
[sửa] Di sản và hồi ức
[sửa] Di sản
Qua ba thập kỷ nhiệm quyền của Lý Quang Diệu, Singapore từ một quốc gia đang phát triển nay đứng trong hàng ngũ những quốc gia phát triển nhất thế giới, mặc cho dân số ít ỏi, diện tích nhỏ bé và tài nguyên thiên nhiên nghèo nàn. Lý Quang Diệu thường nói rằng tài nguyên duy nhất của Singapore là người dân và tinh thần làm việc hăng say của họ. Ông nhận được sự kính trọng của nhiều người Singapore, đặc biệt là những người lớn tuổi, họ luôn nhớ đến khả năng lãnh đạo của ông trong thời kỳ độc lập và tách rời khỏi Malaysia. Lý Quang Diệu vẫn thường được xem là nhà kiến trúc cho sự phú cường của Singapore ngày nay, mặc dù vai trò này có sự đóng góp đáng kể của phó thủ tướng, Tiến sĩ Goh Keng Swee, nhân vật chịu trách nhiệm xây dựng và phát triển nền kinh tế Singapore.
[sửa] Phê phán
Mặt khác, một số người, trong và ngoài nước, cho rằng Lý Quang Diệu là người chủ trương dành đặc quyền lãnh đạo đất nước cho giới thượng lưu tinh hoa (elitism), hoặc có cả những cáo buộc ông là một nhà lãnh đạo chuyên quyền. Người ta thuật lại rằng có lần Lý Quang Diệu từng nói ông thích được sợ hơn là được thương.
Lý Quang Diệu cũng bị chỉ trích vì đã áp dụng những biện pháp cứng rắn nhằm đàn áp phe đối lập và quyền tự do ngôn luận, cấm biểu tình nơi công cộng mà không có giấy phép của cảnh sát, hạn chế các ấn phẩm và sử dụng các luật lệ về tội phỉ báng để đẩy những đối thủ chính trị của ông vào tình trạng phá sản. Về vấn đề này, Devan Nair đưa ra nhận xét rằng chiến lược của Lý Quang Diệu là khởi kiện đối thủ của ông cho đến khi họ phá sản hay thân bại danh liệt, như vậy chẳng khác gì thủ tiêu các quyền chính trị. Devan Nair cho rằng Lý Quang Diệu "ngày càng trở nên loại người tự cho mình biết đủ và biết đúng mọi sự", cũng như bị vây quanh bởi "những kẻ bù nhìn". Phản ứng với những nhận xét này, Lý Quang Diệu lại đâm đơn khởi kiện.
Trong một trường hợp, sau khi toà kháng án bác bỏ một phán quyết của toà dưới có lợi cho Lý Quang Diệu, chính phủ bèn huỷ bỏ quyền kháng án. Suốt trong thời gian đảm nhiệm chức thủ tướng từ 1965 đến 1990, Lý Quang Diệu đã bỏ tù Chia Thye Poh, một cựu đại biểu quốc hội thuộc đảng đối lập Barisan Socialis, trong 22 năm mà không xét xử, chiếu theo Luật An ninh Nội chính, ông này chỉ được trả tự do vào năm 1989. Cũng vậy, để có thể dành quyền hạn tuyệt đối cho các thẩm phán, Lý Quang Diệu đã huỷ bỏ luật "Xét xử có bồi thẩm đoàn" tại toà án.
[sửa] Hồi ký
Lý Quang Diệu đã viết hai cuốn hồi ký dài hai tập: Câu chuyện Singapore, trình bày quan điểm của ông về lịch sử Singapore cho đến khi tách rời khỏi Malaysia năm 1965, và Từ thế giới thứ ba đến thế giới thứ nhất: Câu chuyện Singapore, thuật lại sự chuyển đổi của Singapore để trở thành ;' quốc gia thuộc thế giới thứ nhất.
[sửa] Xem thêm
[sửa] Liên kết ngoài
- Con rồng Singapore và dấu ấn của những người lãnh đạo
- Văn hoá là Đinh mệnh; Mạn đàm với Lý Quang Diệu – tạp chí Foreign Affairs, phỏng vấn bởi Fareed Zakaria
- Tạp chí Time Asia – Lý Quang Diệu được chọn vào danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất ở Á châu trong thế kỷ bởi tạp chí TIME Á châu.
- Cuộc chiến Ngôn ngữ Alejandro Reyes, Asiaweek.com, 25 tháng 9 năm 1998. Retrieved 2004-12-08
- Lý Quang Diệu: Tiểu sử, 1923-1965 Dựa trên Lý Quang Diệu. Câu chuyện Singapore: Hồi ức của Lý Quang Diệu: Singapore: Times, 1998. Retrieved 2004-12-08
- Tự do sau 32 năm giam cầm Chia Thye Poh nói chuyện với tạp chí Newsweek. Retrieved 2004-12-12
- Lời xin lỗi của tạp chí The Economist Tạp chí The Economist xin lỗi Lý Quang Diệu và Lý Hiển Long vì một bài báo năm 2004 viết về tệ gia đình trị của nhà họ Lý.
- Gene expression: Lý Quang Diệu
- Obituary of Lee Chin Koon
- Tháng 8 năm 2005 Phỏng vấn với nhật báo Đức Der Spiegel