See also ebooksgratis.com: no banners, no cookies, totally FREE.

CLASSICISTRANIERI HOME PAGE - YOUTUBE CHANNEL
Privacy Policy Cookie Policy Terms and Conditions
Chiến dịch Sấm Rền – Wikipedia tiếng Việt

Chiến dịch Sấm Rền

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Chiến dịch Sấm Rền
Một phần của Chiến tranh Việt Nam

Các máy bay F-105 Thần sấm ném bom theo chỉ dẫn của B-66 chỉ huy phi đội.
Thời gian 2 tháng 3 năm 19651 tháng 11 năm 1968
Địa điểm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Kết quả Thất bại chiến lược của Mỹ
Tham chiến
Cờ Hoa Kỳ Hoa Kỳ
Việt Nam Cộng hòa
Cờ Việt Nam Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa
Chỉ huy
Joseph H. Moore,
William W. Momyer,
George S. Brown
Phùng Thế Tài (Phòng không),
Nguyễn Văn Tiến (Không quân)
Thương vong
Mỹ:
~835 chết, bị bắt, hoặc mất tích
VNCH:
Không rõ
~20.000 nhân viên quân sự,
~72.000 dân thường

Chiến dịch Sấm Rền (tiếng Anh: Operation Rolling Thunder) là chiến dịch ném bom trong Chiến tranh Việt Nam do Sư đoàn 2 Không quân (sau là Seventh Air Force), Hải quân Mỹ và Không lực Việt Nam Cộng hòa chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chiến dịch này kéo dài từ ngày 2 tháng 3 năm 1965 đến 1 tháng 11 năm 1968.

Bốn mục tiêu của chiến dịch (phát triển theo thời gian) là:

  • Cứu vãn tinh thần đang sa sút của chính phủ Việt Nam Cộng hòa;
  • Ép Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngừng hỗ trợ cho lực lượng cộng sản ở miền Nam;
  • Phá hủy hệ thống giao thông, các cơ sở công nghiệp, các lực lượng phòng không của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa;
  • Ngăn chặn dòng quân và hàng hóa chảy vào Việt Nam Cộng hòa.

Chiến dịch đã trở thành trận chiến không/đất căng thẳng nhất trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đã là chiến dịch khó khăn nhất mà Không lực Mỹ đã thực hiện kể từ thời ném bom Đức trong Thế chiến lần thứ 2. Nhờ có các nỗ lực của các đồng minh Liên XôTrung Quốc, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tự vệ bằng một hỗn hợp hùng mạnh của các vũ khí không-đối-không và đất-đối-không tinh vi, tạo nên một trong những khu vực phòng không hữu hiệu nhất mà các phi công quân sự Mỹ từng đối mặt.

Một số nghiên cứu của Mỹ đã xem chiến dịch này như là một công thức cho thất bại. [1] Sau một trong những chiến dịch trên không dài nhất trong lịch sử của bất cứ quốc gia nào, nhiều chuyên gia quân sự Mỹ đã kết luận rằng chiến dịch Sấm Rền là một thất bại do nó không đạt được một mục tiêu nào trong các mục tiêu đã đặt ra.[2]

Mặc dù chiến dịch này đã gây thiệt hại cho các cố gắng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để chiếm quyền kiểm soát miền Nam Việt Nam, dòng người và hàng chảy tới các chiến khu vẫn tăng đáng kể. Tuy nhiên, các kinh nghiệm thu được trong chiến dịch đã chỉ ra cho các nhà lập kế hoạch quân sự Mỹ cách tránh tiến hành một chiến dịch không quân. Các bài học thu được trong thập kỷ 1960 đã dẫn tới các thay đổi quan trọng trong huấn luyện và trang bị cho quân đội Mỹ trong các thập kỷ 1980 và 1990.

Mục lục

[sửa] Hành động leo thang

Để biết thêm thông tin về về xuất phát điểm của can thiệp quân sự trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam, xem Sự kiện vịnh Bắc Bộ.

[sửa] Hoàn cảnh

Phản ứng trước việc Tổng thống Ngô Đình Diệm bãi bỏ cuộc tổng tuyển cử thống nhất năm 1956 và đàn áp mạnh mẽ các lực lượng cộng sản, từ cuối thập kỉ 1950, Hà Nội bắt đầu gửi vũ khí và quân nhu cho lực lượng du kích của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam (MTDTGPMN), lực lượng đang chiến đấu nhằm lật đổ chính phủ Sài Gòn được Mỹ hỗ trợ.[3] Để chống lại MTDTGPMN và củng cố chính phủ miền Nam, ban đầu, Mỹ cung cấp viện trợ tài chính, cố vấn quân sự, và hàng quân nhu.[4] Trong thời kì 1957 - 1963, với chính sách kiềm chế (containment) và sự tin tưởng vào thuyết đôminô, Mỹ ngày càng tiến sâu vào việc bảo vệ Nam Việt Nam khỏi cái mà nó coi là sự bành trướng của cộng sản.[5]


Các câu hỏi đặt ra giữa các nhân vật lãnh đạo trong chính phủ và quân đội Mỹ về việc biện pháp nào là tốt nhất để ngăn Hà Nội (được xem là nơi khơi mào của cuộc nổi dậy tại miền Nam) tiếp tục các hành động của mình. Câu trả lời có vẻ là việc sử dụng hỏa lực không quân. Cho đến năm 1964, đa số các quan chức dân sự xung quanh Tổng thống Lyndon B. Johnson chia xẻ ít nhiều với niềm tin của Hội đồng Tham mưu liên quân (Joint Chiefs of Staff) vào hiệu quả của ném bom chiến lược.[6] Họ lập luận rằng một nước nhỏ bé như Việt Nam, với một nền công nghiệp nhỏ xíu vừa ra khỏi Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, sẽ không muốn hy sinh sức sống của nền kinh tế non trẻ để hỗ trợ cuộc nổi dậy ở miền Nam.[7] Quá trình đưa ra quyết định này liên tục chịu ảnh hưởng bởi mối lo ngại về các hành động phản kháng có thể hoặc sự can thiệp trực tiếp của Liên Xô, Trung Quốc, hoặc cả hai.[8]

Tháng 8 năm 1964, để phản ứng lại Sự kiện vịnh Bắc Bộ khi tầu hải quân Mỹ tuyên bố là đã bị tầu tuần tiễu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tấn công, Tổng thống Johnson ra lệnh trả đũa bằng các cuộc không kích (Chiến dịch Mũi Tên Xuyên) chống lại miền Bắc.[9] Tuy nhiên, vụ trả đũa này đã không làm thỏa mãn các lãnh đạo quân sự Mỹ, những người đòi hỏi một chiến dịch mạnh mẽ hơn và quy mô lớn hơn.[10]

[sửa] Thi hành

Đến cuối tháng 8, Hội đồng tham mưu liên quân Mỹ đã liệt kê một danh sách 94 mục tiêu cần phá hủy, một phần của chiến dịch không kích hiệp đồng dài 8 tuần để đánh phá mạng lưới giao thông tại miền Bắc Việt Nam.[11] Cầu, ga xe lửa, bến cảng, doanh trại, và các kho hàng đều được lấy làm mục tiêu. Tuy nhiên, Johnson sơ rằng một chiến dịch như vậy có thể làm ngòi nổ cho một sự can thiệp trực tiếp với Trung Quốc hay Liên Xô, điều mà đến lượt nó có thể biến thành một cuộc chiến tranh thế giới.[12] Với sự ủng hộ của McNamara, tổng thống từ chối cho phép một chiến dịch ném bom không hạn chế như vậy.

Thay vào đó, Mỹ thực hiện các cuộc không kích "ăn miếng trả miếng" để trả đũa cho một cuộc tấn công của Quân giải phóng miền Nam (QGP) ngày 7 tháng 2 năm 1965 vào Pleiku (Chiến dịch Flaming Dart) và một vụ đánh bom tại nơi trú quân của Mỹ tại Qui Nhơn ngày 10 (Chiến dịch Flaming Dart II). Các chiến dịch nhỏ được thực hiện chống lại khu vực phía Bắc giới tuyến, nơi đóng quân của một lực lượng lớn Quân đội Nhân dân Việt Nam và tập trung nhiều kho hàng quân dụng.[13]

Chịu thua áp lực của Hội đồng tham mưu liên quân và sự phát triển của QGP, Johnson chính thức cho phép một chương trình ném bom kéo dài với mật danh Rolling Thunder (Sấm Rền), chương trình không bị ràng buộc với các hành động công khai của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH).[14] Sấm Rền được lập kế hoạch là một chiến dịch không kích dài 8 tuần, tuân theo các hạn chế mà Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng Robert S. McNamara đã đặt ra. Nếu phong trào nổi dậy ở miền Nam vẫn tiếp diễn "với hỗ trợ của VNDCCH", các cuộc không kích chống VNDCCH sẽ được kéo dài với các nỗ lực cao hơn nữa để chống lại các mục tiêu phía bắc vĩ tuyến 19."[15]

Người ta đã tin rằng áp lực có chọn lọc do Washington điều kiển, kết hợp với các thương lượng ngoại giao, sẽ thắng thế và buộc Hà Nội chấm dứt gây hấn.[16] Các tướng lĩnh quân sự vẫn chưa hài lòng, vì khi đó chiến dịch ném bom vẫn bị giới hạn trong các mục tiêu phía nam vĩ tuyến 19, và từng mục tiêu đều phải được tổng thống và McNamara duyệt.[17]

Phi vụ đầu tiên của chiến dịch mới được thực hiện vào ngày 2 tháng 3, với mục tiêu là một khu vực kho vũ khí gần Xom Bang (???). Cùng ngày, 19 máy bay A-1 Skyraider của Không lực Việt Nam Cộng hòa đánh phá căn cứ hải quân Quảng Khê. Người Mỹ đã bị sốc khi 6 máy bay của họ bị bắn hạ.[18] 5 trong số các phi công bị bắn rơi đã được cứu thoát, nhưng đó chỉ là khởi đầu cho những gì sắp tới.[19]

[sửa] Trên bầu trời miền Bắc

[sửa] Thuyết phục chiến lược

Để tiếp tục với khái niệm "từng bước", mà trong đó việc đe dọa tàn phá sẽ là một tín hiệu mạnh về quyết tâm của Mỹ, mạnh hơn chính sự tàn phá đó, việc nên làm là ném bom các mục tiêu không quan trọng để giữ các mục tiêu quan trọng trong tầm "đe dọa". Từ đầu chiến dịch Sấm Rền, Washington chỉ thị rõ những mục tiêu nào sẽ bị đánh, ngày giờ của cuộc tấn công, số lượng và chủng loại máy bay, khối lượng và chủng loại bom đạn sử dụng, và đôi khi thậm chí cả hướng tấn công.[20] Các cuộc không kích bị cấm trong phạm vi 30 hải lý (60 km) quanh Hà Nội và trong phạm vi 10 hải lý (19 km) cảng Hải Phòng. Một vùng đệm rộng 30 dặm cũng được kéo dài dọc theo biên giới với Trung Quốc. Theo sử gia không quân Mỹ Earl Tilford:

Việc đặt các mục tiêu rất khác với thực tế ở chỗ chuỗi các cuộc tấn công không hiệp đồng với nhau và các mục tiêu được duyệt một cách ngẫu nhiên - thậm chí phi lôgic. Các sân bay của miền Bắc, cái mà đáng ra phải được đánh đầu tiên theo bất cứ một chiến lược hợp lí nào, lại cũng nằm ngoài phạm vi cho phép.[21]

Tuy một vài trong các hạn chế này sau đó đã được nới lỏng hoặc hủy bỏ, Johnson (với sự ủng hộ của McNamara) kiểm soát chặt chẽ chiến dịch, điều này liên tục gây tức giận đối với các chỉ huy quân sự Mỹ, các thành viên cánh hữu trong Hạ viện Mỹ, và thậm chí cả một số người trong chính phủ.[22] Một trong các mục đích chính yếu của chiến dịch, ít nhất là đối với giới quân sự, đáng ra phải là phong tỏa cảng Hải Phòng và các cảng biển khác bằng việc thả thủy lôi từ trên không, từ đó làm giảm hoặc ngừng dòng hàng viện trợ đường biển vào miền Bắc. Tuy nhiên, tổng thống Johnson từ chối thực hiện một hành động khiêu khích như vậy, và đến năm 1972, việc phong tỏa này mới được thực hiện. [23]

Đa số các cuộc không kích trong chiến dịch Sấm Rền đã xuất phát từ 4 căn cứ không quân tại Thái Lan: Korat, Takhli, Udon Thani, và Ubon.[24] Sau khi tấn công các mục tiêu (thường bằng cách bổ nhào cắt bom), các máy bay sẽ hoặc bay thẳng về Thái Lan hoặc thoát ra ngoài vùng biển tương đối an toàn ngoài vịnh Bắc Bộ. Người ta đã nhanh chóng quyết định rằng, để hạn chế xung đột vùng trời giữa các lực lượng không kích của Không quân và Hải quân, miền Bắc Việt Nam được chia thành 6 vùng mục tiêu "Route Package", mỗi vùng được giao cho một trong hai lực lượng Không quân hoặc Hải quân, và lực lượng này không được xâm phạm vào vùng của lực lượng kia.

Các cuộc không kích của Hải quân Mỹ xuất phát từ các tàu sân bay của Task Force 77 tuần tiễu ngoài khơi vịnh Bắc Bộ. Các máy bay của hải quân, với tầm bay ngắn hơn và sức mang bom nhẹ hơn máy bay của Không quân, chủ yếu đánh phá các mục tiêu ven bờ biển.

Ngày 3 tháng 4, Hội đồng tham mưu liên quân thuyết phục được McNamara và Johnson cho tổ chức một cuộc tấn công dài 4 tuần để phá các đường giao thông của Bắc Việt Nam, nhằm cô lập quốc gia này với các nguồn hậu cần đường bộ từ Trung Quốc và Liên Xô. Khoảng 1/3 lượng hàng nhập khẩu của miền Bắc đi qua tuyến đường sắt từ Trung Quốc, trong khi 2/3 còn lại đến từ đường biển qua Hải Phòng và các cảng khác.[25] Lần đầu tiên trong chiến dịch, các mục tiêu được chọn vì lí do quân sự thay vì tầm quan trọng tâm lý của chúng.[26] Trong 4 tuần đó, 26 cây cầu, 7 chiếc phà bị phá hủy.[27] Các mục tiêu khác bao gồm các hệ thống radar, doanh trại, và kho đạn.

Tuy nhiên, vùng cán xoong miền Trung vẫn là trọng tâm chính yếu của chiến dịch, tổng số lượt đánh phá tại đây tăng từ 3.600 trong tháng 4 lên 4.000 trong tháng 5.[28] Chuyển dần từ việc phá hủy các mục tiêu cố định, chính phủ đã cho phép thực hiện các phi vụ "trinh sát có vũ khí" mà trong đó các đội hình máy bay nhỏ tuần tiễu các đường quốc lộ, đường sắt, sông ngòi... để tìm kiếm cơ hội và mục tiêu. Đến cuối năm 1965, các phi vụ này đã tăng từ 2 lên 200 lượt mỗi tuần.[29] Cuối cùng, các phi vụ trinh sát có vũ khí đã chiếm tới 75% tổng nỗ lực ném bom, một phần vì quy trình của việc yêu cầu, chọn, và duyệt đối với các mục tiêu cố định quá phức tạp và nặng nề.[30]

[sửa] Ưu tiên thay đổi và các cuộc đánh phá kho xăng dầu

Nếu Sấm Rền đã có nhiệm vụ là "đánh tín hiệu" để Hà Nội từ bỏ các hành động của mình, thì nó đã không có vẻ gì là có hiệu quả. Ngày 8 tháng 4, đáp lại đề nghị đàm phán hòa bình, Thủ tướng VNDCCH Phạm Văn Đồng tuyên bố rằng đàm phán chỉ có thể bắt đầu sau khi Mỹ ngừng ném bom; Mỹ rút toàn bộ quân ra khỏi miền Nam; chính phủ Sài Gòn thừa nhận các đòi hỏi của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam; và các bên đồng ý rằng việc thống nhất Việt Nam sẽ được thực hiện bởi chính người Việt Nam.[31] Như là một điềm gở, ngày 3 tháng 4 lực lượng Không quân Nhân dân Việt Nam đã xuất hiện lần đầu tiên khi máy bay Mỹ bị tấn công bởi máy bay MiG-15 do Liên Xô chế tạo.

Hình:RT6.jpg
Cháy kho xăng tại Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 1966

Toàn bộ nước da của nỗ lực Mỹ đã thay đổi vào ngày 8 tháng 3 năm 1965, khi 3500 lính Thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào bờ biển Đà Nẵng, với mục tiêu bề ngoài là để bảo vệ các sân bay ở phía Nam dùng cho việc thực thi chiến dịch Sấm Rền.[32] Nhiệm vụ của lực lượng trên bộ đã được mở rộng thành các hoạt động chiến trận, và từ đó trở đi chiến dịch trên không trở thành hoạt động thứ yếu, nó bị che khuất dần bởi các cuộc triển khai quân và leo thang trong các chiến dịch trên bộ tại Nam Việt Nam.[33] Cho đến tuần thứ 3 của tháng 4, Sấm Rền vẫn được vị thế ngang hàng với các phi vụ không kích tại miền Nam. Sau đó, các cuộc không kích ảnh hưởng đến yêu cầu của chiến trường miền Nam đã bị cắt giảm hoặc hủy bỏ.[34]

Tính đến 24 tháng 12 năm 1965, Mỹ đã mất 170 máy bay trong chiến dịch (85 máy bay của Không quân, 94 của Hải quân, và 1 của Thủy quân lục chiến). Không lực Việt Nam Cộng hòa cũng mất 8 máy bay.[35] Các phi đội của Không quân đã bay 25.971 lượt, thả 32.063 tấn bom. Hải quân bay 28.168 lượt và thả 11.144 tấn bom. Không lực Việt Nam Cộng hòa đóng góp 682 phi vụ, số bom đã thả không rõ bao nhiêu.[36]

Ngày 5 tháng 4 năm 1966, thám báo Mỹ phát hiện ra rằng VNDCCH đang xây dựng các vị trí có thể dành cho các khẩu đội tên lửa đất-đối-không (SAM). Không quân và Hải quân Mỹ cùng đệ trình Washington xin phép đánh phá các vị trí trên nhưng đã bị từ chối, vì hầu hết các vị trí trên đều ở gần các khu vực đô thị bị hạn chế.[37] Sự kiện ngày 24 tháng 7, khi một máy bay F-105 bị một tên lửa SA-2 Guideline bắn rơi đã không gây ngạc nhiên. Ba ngày sau đó, Washington đã cho phép một cuộc không kích đánh phá hai địa điểm đặt tên lửa trên. Tuy nhiên, người Mỹ đã rơi vào một cái bẫy tinh vi khi các địa điểm trên hóa ra lại là trận địa giả, bao quanh bởi các trận địa pháo phòng không. Một phi công Mỹ đã miêu tả diễn biến tiếp sau đó "trông như thể ngày tận thế"[38]. 6 trong số các máy bay tấn công đã bị bắn rơi trong trận thua này (2 phi công thiệt mạng, 1 mất tích, 2 bị bắt, 1 được cứu thoát).[39]

Ngày 29 tháng 6 năm 1966, Johnson cho phép các cuộc không kích đánh phá các kho xăng dầu ở miền Bắc. Giới quân sự Mỹ đã đề nghị những cuộc không kích kiểu này từ đầu chiến dịch, họ tin rằng việc phá hủy trữ lượng xăng dầu của Bắc Việt Nam sẽ làm ngừng trệ các nỗ lực quân sự của nó. Ban đầu, các cuộc không kích có vẻ thành công, phá hủy các kho chứa gần Hà Nội và Hải Phòng và dẫn đến việc CIA tin rằng 70% cơ sở hạ tầng xăng dầu của miền Bắc đã bị phá hủy đổi với cái giá là 43 máy bay bị mất. [40] Tuy nhiên, thành công này đã chỉ là một sự bất tiện nhất thời cho VNDCCH, do Hà Nội đã lường trước một cuộc đánh phá như vậy và đã phân tán hầu hết trữ lượng xăng dầu trong các thùng nhỏ 50-gallon tại suốt dọc chiều dài đất nước. Các cuộc đánh phá xăng dầu bị ngừng lại vào ngày 4 tháng 9 sau khi tình báo Mỹ thừa nhận rằng "chưa có bằng chứng nào cho việc thiếu xăng dầu tại Bắc Việt Nam."[41]

[sửa] Phản ứng - Cuộc chiến tranh nhân dân trên không

Ngay từ trước khi chiến dịch Sấm Rền bắt đầu, các chính phủ VNDCCH đã biết cái gì đang đến. Tháng 2 năm 1965, họ đã ra hướng dẫn cho quân đội và nhân dân "đảm bảo giao thông liên lạc và chuẩn bị cho sự tàn phá trên toàn đất nước, trong đó có cả Hà Nội và Hải Phòng."[42] Hà Nội tuyên bố "một cuộc chiến tranh nhân dân chống lại cuộc đánh phá trên không....mỗi công dân là một người lính, mỗi làng xóm, phố phường, nhà máy là một pháo đài trên mặt trận chống Mỹ."[43] Tất cả, trừ những gì "thật sự thiết yếu đối với đời sống thủ đô", đều được sơ tán về nông thôn. Đến năm 1967, dân số Hà Nội đã giảm xuống còn một nửa.[44]

Vũ khí phòng không của Quân đội Nhân dân Việt Nam
Vũ khí phòng không của Quân đội Nhân dân Việt Nam

Do việc chiếm ưu thế so với quân đội Mỹ là một điều không tưởng, lãnh đạo miền Bắc quyết định áp dụng một chính sách khước từ không gian (air deniability). Đầu chiến dịch, VNDCCH sở hữu khoảng 1500 vũ khí phòng không, hầu hết thuộc hạng nhẹ 37 và 57mm. Nhưng trong vòng 1 năm, Mỹ ước tính số lượng này đã lên tới trên 5000 súng, trong đó có vũ khí cỡ 85 và 100mm định hướng bằng radar.[45] Con số ước lượng này sau đó đã được xác định lại, giảm từ 7000 vào đầu năm 1967 xuống còn dưới 1000 vào năm 1972.[46] Dù sao, trong chiến dịch Sấm Rền, 80% thiệt hại của Mỹ về máy bay là do hỏa lực phòng không.[47]

Hỗ trợ hỏa lực pháo phòng không là các máy bay tiêm kích của Không quân Nhân dân Việt Nam, lực lượng mà ban đầu chỉ có 53 máy bay MiG-15MiG-17 Fresco.[48] Tuy bị người Mỹ coi là cổ đại khi so sánh với các máy bay phản lực siêu thanh của họ, Không quân Nhân dân Việt Nam đã biến các điểm yếu của máy bay họ thành các thế mạnh. Các máy bay này có tốc độ đủ cao cho các hoạt động phục kích đánh và chạy, và cũng cơ động đủ để gây sốc cho cộng đồng máy bay chiến đấu Mỹ khi bắn hạ các máy bay F-8 Crusader và F-105 Thần sấm cao cấp hơn. Phi công Mỹ sau đó đã phải nhanh chóng phát triển chiến thuật mới. Máy bay F-4 Con ma trang bị tên lửa trở thành cơ sở chiến đấu chính của Mỹ.

Chỉ riêng sự xuất hiện của máy bay MiG thường cũng đủ hoàn thành nhiệm vụ của họ bằng cách buộc các phi công Mỹ phải vứt bom xuống biển cho nhẹ để còn tự bảo vệ.[49] Năm 1966, loại MiG-21 Fishbed hiện đại hơn do Liên Xô chế tạo, loại có thể chiến đấu ngang sức hơn đối với máy bay Mỹ, đã tham gia cùng MiG 15 và 19. Đến năm 1967, Không quân Nhân dân Việt Nam đã có một lực lượng gồm 100 máy bay, nhiều trong số đó đặt tại các sân bay Trung Quốc và nằm ngoài tầm với của các cuộc không kích của Mỹ.[50]

Để tránh thiệt hại, nền kinh tế miền Bắc được phân tán. Các nhà máy lớn vốn nằm tại các khu vực tập trung đông dân ở đồng bằng sông Hồng, được chia nhỏ và phân tán vào các hang núi và các làng nhỏ trên khắp vùng nông thôn. Tại vùng cán xoong bị ném bom ác liệt ở miền Trung, có nơi cả làng chuyển vào sống trong các hệ thống hầm ngầm. Tình trạng thiếu thực phẩm trở nên lan rộng, đặc biệt ở các vùng đô thị, khi nông dân vào bộ đội hoặc tình nguyện phục vụ khắc phục thiệt hại do các trận bom.[51] Khi hệ thống giao thông bị đánh phá, cầu gẫy được sửa hoặc thay thế bằng các khúc sông cạn, phà, hoặc cầu phao, ngầm. Hệ thống này đã chứng tỏ tính bền vững, dễ sửa, và gần như không thể dập tắt.[52]

Nguồn tài nguyên lớn nhất của miền Bắc là nhân dân, những người dân được đốt lửa bằng nhiệt tình dân tộc. Trong năm 1965, 97.000 người đã tình nguyện làm việc cả ngày để khắc phục các thiệt hại do bom Mỹ. Từ 370.000 đến 500.000 người khác làm việc nửa ngày.[53] Khi đường giao thông bị đánh phá, các đoàn tầu hỏa chở hàng được chia nhỏ và chỉ chạy đêm. Người dân tham gia vận chuyển hàng bằng thuyền, xe đạp thồ, xe ba gác, hoặc gùi trên lưng để giữ luồng hàng ra chiến trường. Họ được cổ vũ bởi các khẩu hiệu như "Mỗi cân hàng ... là một viên đạn bắn vào đầu những tên giặc lái Mỹ."[54]

[sửa] Trường bắn lớn nhất trên Trái Đất

[sửa] Tên lửa SAM và Wild Weasel

Hình:RTSAM.jpg
Các máy bay thám báo RF-4C Phantom II bắt cháy sau khi tên lửa SA-2 Guideline nổ

Việc VNDCCH triển khai các tên lửa SAM đã buộc các phi công Mỹ phải thực hiện các lựa chọn khó khăn: hoặc tiếp cận các mục tiêu từ độ cao lớn (để tránh hỏa lực phòng không) và trở thành mồi cho SAM, hoặc bay thấp để tránh tên lửa và trở thành mục tiêu của các khẩu đội phòng không. Do chiến thuật được thay đổi và việc gây nhiễu radar được tăng cường, số máy bay bị SAM bắn hạ giảm theo thời gian. Tỷ lệ bắn trúng của tên lửa vốn đã thấp ở mức 1/30 giảm xuống còn 1/50.[55] Tuy nhiên, các con số này không nói lên nhiều về tính hiệu quả của Sấm Rền, do các khẩu đội SAM của VNDCCH không bao giờ thiếu tên lửa dự trữ, bất kể các nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn hệ thống hậu cần.

Bản chất của cuộc leo thang từng bước đã cho Hà Nội thời gian để thích nghi với tình hình. Đến năm 1967, VNDCCH đã thành lập khoảng 25 tiểu đoàn SAM (mỗi tiểu đoàn có 6 bệ phóng tên lửa) luân chuyển giữa khoảng 150 địa điểm.[56] Với sự hỗ trợ của Liên Xô, VNDCCH đã nhanh chóng tích hợp một hệ thống radar cảnh báo sớm gồm hơn 200 cơ sở che phủ toàn quốc, theo dõi các đợt đánh phá của Mỹ, và rồi hợp đồng tác chiến giữa các tên lửa SAM, các khẩu đội pháo phòng không, và máy bay MiG để tấn công họ.[57] Trong năm 1967, Mỹ mất tổng cộng 245 máy bay (145 của Không quân, 102 của Hải quân, và 1 của Thủy quân lục chiến).[58]

Để sống sót trong khu vực phòng không ngày càng nguy hiểm, Mỹ đã phải áp dụng các chiến thuật mới hơn, chuyên biệt hơn. Trong các cuộc không kích quy mô lớn, được gọi là các gói hỏa lực (force package) của Không quân và các cuộc không kích Alpha (multi-carrier "Alpha strike") của Hải quân, nhiều máy bay hỗ trợ được cử theo để bảo vệ các máy bay ném bom-chiến đấu. Dẫn đầu vào các vùng mục tiêu đánh phá là các phi vụ đặc biệt Bàn tay Sắt với nhiệm vụ đánh chặn hỏa lực phòng không. Các phi vụ này do các đội sát thủ F-105 Chồn Hoang (Wild Weasel) được trang bị các thiết bị điện tử tinh vi để phát hiện và định vị các chùm tia liên quan đến các radar điều khiển và việc dẫn đường cho tên lửa SAM.

Đội Chồn Hoang còn mang các thiết bị phản điện từ (electronic counter-measure) (ECM) để tự bảo vệ. Chúng hướng dẫn các cuộc đánh phá các trận địa phòng không và mang các tên lửa chống bức xạ (anti-radiation) AGM-45 Shrike - loại tên lửa lần ngược theo hướng bức xạ để tìm đường đánh vào các hệ thống radar của SAM. Tên lửa SA-2 có tầm bắn xa hơn Shrike, nhưng nếu Shrike được bắn ra khi tín hiệu radar đang ở trong không gian thì tên lửa Mỹ sẽ lần theo tín hiệu và phá hủy radar là nguồn của tín hiệu. Một trò chơi mèo đuổi chuột tinh vi đã xảy ra giữa các kĩ thuật viên điều khiển radar của VNDCCH và các phi công Chồn Hoang của Mỹ. Hải quân Mỹ cũng sử dụng máy bay trong một vai trò tương tự, nhưng nó không tạo ta các đơn vị chuyên biệt như đội Chồn Hoang để đánh phát SAM.

Hình:RT4.jpg
Một Chồn Hoang F-105F/G-1-RE, 63-8266, trong một phi vụ Bàn Tay Sắt. Chiếc máy bay này được bảo quản tại Bảo tàng Không quân Mid America, Liberal, Kansas.

Tiếp theo là các máy bay mang bom được bảo vệ bởi các máy bay chiến đấu (Combat Air Patrol hoặc MIGCAP) và máy bay gây nhiễu điện tử để vô hiệu hóa radar đối phương. Các thiết bị gây nhiễu mới đã được vội vã triển khai để bảo vệ máy bay trước sự tấn công bằng tên lửa, nhưng chúng thường bị mất tác dụng do điều kiện thời tiết ở Đông Nam Á. Cùng tham gia các phi vụ còn có các máy bay chở xăng KC-135 và các trực thăng cứu hộ, những máy bay này đến lượt mình lại được bảo vệ bởi các máy bay A-1.

Từ giữa năm 1966 tới cuối năm 1967, Tổng thống Johnson tiếp tục loại bỏ các mục tiêu nhạy cảm mà các tướng đề xuất, đồng thời cố gắng xoa dịu phe bồ câu trong Hạ viện và trong chính chính phủ của ông bằng các cắt giảm định kì và các đề xuất hòa bình nửa vời.[59] Cuối cùng, chuỗi sai lầm này đã không làm thỏa mãn một ai và không làm được gì để thay đổi dòng chảy của cuộc chiến.[60]

[sửa] MiG và việc đánh chặn

Chiến dịch Sấm Rền đi đến giai đoạn cuối của sự phát triển của nó trong các năm 1967 và 1968. Mục đích chính yếu của nỗ lực Mỹ trong việc đánh phá các khu vực giao thông miền Bắc Việt Nam đã dần dần bị biến thành việc đánh chặn dòng hàng và quân chảy vào Nam và sự phá hủy các cơ sở hạ tầng của miền Bắc phục vụ các hoạt động quân sự.

Tuy hỏa lực phòng không tiếp tục gây ra đa số thiệt hại về máy bay của Mỹ, các máy bay F-105 của Không quân và A-4 của Hải quân Mỹ ngày càng chạm trán nhiều hơn với SAM và MiG. Các phi công chiến đấu của VNDCCH cũng đã trở thành một vấn đề vì Mỹ không có thông tin radar tại vùng đồng bằng sông Hồng, điều này cho phép các máy bay MiG gây bất ngờ đối với lực lượng đánh phá. Máy bay trang bị hệ thống cảnh báo sớm gặp khó khăn khi phát hiện các máy bay tiêm kích ở độ cao thấp và khó có thể nhìn thấy các máy bay này bằng mắt.[61]

Hình:RTMiG.jpg
MiG-21 Fishbed trên bầu trời miền Bắc, năm 1967

Tuy F-105 đã có 27 chiến thắng trên không, tỷ lệ diệt của hai bên gần như ngang nhau. Tháng Giêng năm 1967, phi công Mỹ đã làm các máy bay MiG ngạc nhiên khi họ thực thi Chiến dịch Bolo. Dùng các tín hiệu radio, hướng tiếp cận, độ cao, và tốc độ thường dùng của các máy bay mang bom F-105, các máy bay F-4 lừa MiG tới nơi mà họ cho là các con mồi ngon. Kết quả là 7 máy bay MiG bị bắn rơi trong vòng 12 phút.[62]

Cuối năm đó, Mỹ thực hiện nỗ lực kéo dài và mạnh mẽ nhất để buộc VNDCCH vào bàn đàm phán hòa bình. Hầu như tất cả các mục tiêu trong danh sách của Hội đồng tham mưu liên quân đã được duyệt để tấn công, trong đó có cả các sân bay trước đó đã được coi là ngoài giới hạn.[63] Chỉ có khu trung tâm Hà Nội, Hải Phòng và vùng biên giới với Trung Quốc là vẫn bị cấm đánh phá. Nỗ lực chủ yếu dược thực hiện để cô lập các khu đô thị bằng cách đánh sập cầu và tấn công các hệ thống thông tin liên lạc. Các mục tiêu bị đánh phá còn có nhà máy gang thép Thái Nguyên, các nhà máy điện, các xưởng sửa chữa tầu biển và xe lửa, các kho tàng. Một lực lượng lớn máy bay MiG tham gia chiến đấu khi thủ đô Hà Nội bị đe dọa, tỉ lệ diệt là 1 máy bay Mĩ cho 2 MiG.[64] Trong năm 1968, MiG là nguyên nhân của 22 % trong tổng số 184 máy bay Mĩ rơi trên miền Bắc (75 Không quân, 59 Hải quân, và 5 Thủy quân lục chiến.[65] Do kết quả này, các cuộc đánh phá các sân bay cuối cùng của VNDCCH, mà trước đây nằm ngoài phạm vi cho phép, đã được cho phép.

Tuy nhiên, bất kể những nỗ lực ngăn chặn cao nhất của Sấm Rền, Quân giải phóng miền Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn thực hiện được cuộc tổng tấn công lớn nhất kể từ đầu cuộc chiến, Sự kiện Tết Mậu Thân, trên khắp Nam Việt Nam từ ngày 30 tháng 1 năm 1968. Cuộc tổng tấn công này kết thúc như là một thảm bại quân sự đối với VNDCCH và MTDTGPMN, nhưng nó cũng ảnh hưởng ngược lại đối với dư luận quần chúng Mỹ, dư luận này đến lượt nó gây ảnh hưởng tới ý chí của Washington.

[sửa] Kết thúc

Để biết thêm thông tin về quan điểm của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, xem Robert S. McNamara.
Để biết thêm thông tin về đàm phán, xem Hiệp định Paris.

Đến mùa xuân năm 1967, Robert McNamara và các lãnh đạo dân sự khác trong chính quyền đã tin rằng cả Sấm Rền và chiến tranh trên bộ tại Nam Việt Nam đều dậm chân tại chỗ.[66] Chiến dịch ném bom đã không đạt được các mục tiêu và những người vỡ mộng đã liên tục phản đối các khuyến nghị của Hội đồng tham mưu về việc tăng nhịp độ ném bom và nới lỏng hạn chế mục tiêu.[67] Các tướng lĩnh thấy mình rơi vào vũng lầy do chính mình tạo nên. Họ liên tục tuyên bố rằng chiến dịch có hiệu quả, nhưng cũng liên tục yêu cầu thẩm quyền rộng hơn để làm cho chiến dịch thành công.[68] Đơn giản là không thể dung hòa được các mục đích giới hạn là kết quả của chính sách ngoại giao của Mỹ với mục tiêu toàn thắng của giới quân sự. Bài toán hóc búa khi đó đã trở thành: làm thế nào đánh bại Bắc Việt mà không đánh bại Bắc Việt.[69]

Ngày 9 tháng 8 năm 1967, Hội đồng quân sự thượng viện (Senate Armed Services Committee) mở cuộc điều trần về chiến dịch ném bom. Các phàn nàn của quân đội đã khơi sự chú ý của một vài trong số những người lớn tiếng nhất thuộc phe diều hâu tại Capitol Hill.[70] Các chỉ huy quân đội trả lời các chất vấn của hội đồng, phàn nàn về bản chất từng bước của cuộc không chiến và các hạn chế do phe dân sự đặt ra. Rõ ràng, McNamara, quan chức dân sự duy nhất ra điều trần và người cuối cùng ra trả lời chất vấn của hội đồng, đã là vật tế thần.[71] Vị Bộ trưởng quốc phòng đưa ra các phản đối của mình về một cuộc không chiến bừa bãi và đã bác bỏ thành công các lời buộc tội của các chỉ huy quân sự.[72] Ông thẳng thắn thừa nhận rằng đã "không có cơ sở nào để tin rằng một chiến dịch ném bom nào hủy diệt Bắc Việt Nam và dân số của nó mà có thể buộc chính phủ Hồ Chí Minh khuất phục."[73]

Tổng thống Johnson đã thấy rõ rằng McNamara đã trở thành một trở ngại cho chính phủ.[74] Tháng 2 năm 1968, McNamara từ chức và được thay thế bởi Clark Clifford, người đã luôn chống đối đề nghị của McNamara về việc ổn định quân số Mỹ tại Nam Việt Nam và chấm dứt chiến dịch Sấm Rền.[75] Tuy nhiên lập trường của McNamara lại ngay lập tức được nối tiếp bởi Ngoại trưởng Dean Rusk, người mà trước đó vẫn ủng hộ chiến dịch ném bom. Rusk đề xuất giới hạn chiến dịch chỉ trong vùng cán xoong miền Trung mà không cần điều kiện tiên quyết và đợi phản ứng của Hà Nội.[76] Trong vòng vài tháng, cả Clifford cũng bắt đầu có cách nhìn của người mà ông đã thay thế, ông đân dần trở nên tin tưởng rằng Mỹ phải rút ra khỏi một cam kết mở đối với cuộc xung đột.[77]

Hình:RTPY.jpg
MiG-17 Fresco tại sân bay Phúc Yên, tây bắc Hà Nội

Thất vọng vì các thất bại chính trị trong nước và hy vọng rằng Hà Nội sẽ đi vào đàm phán, ngày 31 tháng 3 năm 1968, Tổng thống Johnson tuyên bố chấm dứt ném bom ở phía bắc vĩ tuyến 19.[78] Kết quả của quyết định này là Không quân và Hải quân bắt đầu dồn toàn bộ hỏa lực mà trước đây họ rải khắp miền Bắc xuống khu vực giữa hai vĩ tuyến 19 và 17. Không quân tăng gấp đôi số lượt đánh phá khu vực 1, lên tới hơn 6000 lượt mỗi tháng, tập trung đánh chặn các "điểm cuống họng", cắt đường, và săn xe tải.[79]. VNDCCH đáp lại bằng cách tăng gấp đôi số khẩu đội phòng không tại vùng cán xoong, nhưng hầu hết các khẩu đội SAM vẫn được giữ nguyên ở quanh Hà Nội và Hải Phòng.

Tuy trước đó liên tục tuyên bố rằng sẽ không đàm phán nếu vẫn bị ném bom, nhưng cuối cùng VNDCCH cũng đồng ý gặp Mỹ tại Paris để bắt đầu đàm phán. Đáp lại, Tổng thống Johnson tuyên bố lệnh ngừng ném bom hoàn toàn miền Bắc sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 11 năm 1968, ngay trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Mặc dù việc ngừng ném bom được gắn với tiến triển của đàm phán hòa bình, Hội đồng tham mưu không tin rằng chính phủ sẽ lại mở chiến dịch ném bom do dù tình hình như thế nào.[80] Họ đã đúng.

[sửa] Kết quả

Từ tháng 3 năm 1965 đến tháng 11 năm 1968, các máy bay của Không lực Mỹ đã thực hiện 153.784 phi vụ tấn công, Không quân và Thủy quân lục chiến bổ sung thêm 152.399 phi vụ [81] Ngày 31 tháng 12 năm 1967, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố rằng trong chiến dịch Sấm Rền đã có 864.000 tấn bom Mỹ ném xuống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, so với 653.000 tấn bom trong suốt Chiến tranh Triều Tiên và 503.000 tấn bom ném xuống mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến lần thứ 2.[82]

Ngày 1 tháng 1 năm 1968, CIA ước tính rằng thiệt hại vật chất mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải chịu lên tới 370 triệu đô, trong đó có 164 triệu đô thiệt hại về các tài sản quan trọng (chẳng hạn nhà máy, cầu đường, và nhà máy điện). CIA còn ước lượng rằng số thương vong đối với dân số Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mỗi tuần là 1.000 người, nghĩa là khoảng 90.000 thương vong trong thời gian 44 tháng, 72.000 trong số đó là dân thường. [83]

Trong các tình huống hành quân hay chiến đấu, 526 máy bay của Không lực Mỹ, 397 của Hải quân, và 19 của Thủy quân lục chiến đã bị rơi trên miền Bắc Việt Nam hay gần đó.[84][85] Trong chiến dịch, trong số 745 phi công bị bắn rơi, Không lực Mỹ ghi nhận 145 người được cứu thoát, 255 bị chết, 222 bị bắt (23 người trong số đó đã chết trong khi bị giam giữ), và 123 mất tích.[86] Con só thương vong của hải quân và Thủy quân lục chiến khó tìm hơn. Trong 44 tháng, 454 phi công thuộc lực lượng Hải quân Mỹ bị chết, bị bắt, hoặc mất tích trong các chiến dịch kết hợp trên vùng trời miền Bắc Việt Nam và Lào. [87]

Chiến dịch Sấm Rền đã khởi đầu là một chiến dịch mang tính chất chiến lược và tâm lý, nhưng nó đã nhanh chóng chuyển thành hoạt động ngăn chặn - một nhiệm vụ chiến thuật [88] Sự thất bại chung cuộc có hai nguồn, cả hai đều thuộc về những người hoạch định chính sách cả quân sự lẫn dân sự ở Washington: Trước hết, không nhóm nào có thể hiểu được rằng VNDCCH sẽ chịu đựng được sự tàn phá mà họ sẽ gây ra. Thứ hai, lãnh đạo quân sự Mỹ ngay từ đầu đã không đề ra và phát triển được một chiến lược thích hợp với cuộc xung đột, cũng như về sau đã không điều chỉnh được nó.[89]

Năng lực biến các điểm yếu thành thế mạnh, sự chịu đựng kiên cường của nhân dân đối với sự hi sinh cá nhân, và quyết tâm thép của chính phủ Hà Nội đã biến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành một địch thủ ghê gớm đối với Mỹ. Ngoài ra, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn có lợi thế ở chỗ các nỗ lực quân sự của họ không chỉ được hỗ trợ bởi công nghiệp nội địa mà được viện trợ một phần cốt yếu từ Trung Quốc và Liên Xô. Nếu nhập khẩu và phân phối được đủ lượng quân nhu cần thiết cho các hoạt động quân sự, đất nước này không thể bị khuất phục đến chỗ phải từ bỏ các mục đích của mình.


[sửa] Chú thích

  1. ^ Luận văn Thạc sĩ 1965-1968 AIR UNIV MAXWELL AFB AL SCHOOL OF ADVANCED AIRPOWER STUDIES Drake, Ricky J. The Rules of Defeat: The Impact of Aerial Rules of Engagement on USAF Operations in North Vietnam. Xem thêm Air University Review, January-February 1985 EDITORIAL Air Power and The Art of War "Rolling Thunder failed for a number of reasons."
  2. ^ Do các cuộc ném bom "phản ứng phòng vệ" (protective reaction) trong khoảng thời gian từ tháng 11 năm 1968 tới tháng 4 năm 1972 cũng được thực hiện dưới biệt danh Rolling Thunder, người ta có thẻ khẳng định rằng đây là chiến dịch dài nhất mà bất cứ quốc gia nào đã từng thực hiện. Earl H. Tilford, Setup. Maxwell Air Force Base AL: Air University Press, 1991, tr. 153. Xem thêm [1] Rolling Thunder 1965: Anatomy of a Failure by Col Dennis M. Drew
  3. ^ Stanley Karnow, Vietnam. New York: Viking, 1983, tr. 237-239.
  4. ^ Ronald H. Spector, Advice and Support. Washington DC: U.S. Army Center of Military History, 1983, tr. 275-373.
  5. ^ In its public defense of its policies, the State Department argued that South Vietnam was "fighting for its life against a brutal campaign of terror and armed attack inspired, directed, supplied, and controlled by the communist regime in Hanoi. U.S. Department of State, Aggression from the North. Washington DC: U.S. Government Printing Office, 1965, tr. 60.
  6. ^ Tilford, tr. 92.
  7. ^ Tilford, tr. 92.
  8. ^ Lyndon B. Johnson, The Vantage Point. New York: Holt, Rhinehart, and Winston, 1971, tr. 66-67.
  9. ^ Miêu tả chính xác nhất về các sự kiện này là Edwin E. Moise, Tonkin Gulf.
  10. ^ Mark Clodfelter, The Limits of Airpower New York: Free Press, 1989, tr. 47.
  11. ^ Jacob Van Staaveren, Gradual Failure. Washington DC: Air Force Museums and History Program, 2002, tr. 46. Xem thêm Tilford, tr. 93.
  12. ^ Gillespie, tr. 71.
  13. ^ H.R. McMaster, Dereliction of Duty. New York: Harper Collins, 1997, 218-222.
  14. ^ Mặc dù một số người trong chính phủ Mỹ tin rằng chiến dịch sẽ tốn kém, và rằng nó có thể không có tác dụng, họ lập luận rằng nó là "một rủi ro chấp nhận được, đặc biệt khi xét đến lựa chọn thay thế là việc đưa quân đội Mỹ vào tham chiến." Morocco, tr. 40. Về suy nghĩ của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ về việc lập kế hoạch và thực hiện chiến dịch không kích, xem Robert S. McNamara, In Retrospect. New York: Times Books, 1992, pps. 171-177.
  15. ^ McMaster, p. 226.
  16. ^ Col. John Schlight, A War Too Long. Washington DC: Air Force History and Museums Program, 1996, tr. 46.
  17. ^ John Morocco, Thunder from Above. Boston: Boston Publishing Company, 1984, tr. 56. Các cuộc họp chọn mục tiêu hàng ngày nhanh chóng bị thay thế bởi các cuộc họp hàng tuần, và cuối cùng là các "gói" (force package) nửa tháng một.
  18. ^ Jacob Van Staaveren, Gradual Failure. Washington DC: Air Force History and Museums Program, 2002, tr. 86.
  19. ^ Morocco, tr. 54.
  20. ^ Morocco, tr. 55.
  21. ^ Tilford, tr. 109.
  22. ^ Morocco, tr. 57.
  23. ^ Wayne Thompson, To Hanoi and Back. Washington DC: Smithsonian Institute Press, 2002, tr. 80.
  24. ^ Chỉ có một phi đoàn Nam Việt Nam (căn cứ tại Đà Nẵng) tham gia các phi vụ tại VNDCCH.
  25. ^ Thompson, tr. 26.
  26. ^ Morocco, tr. 58.
  27. ^ Morocco, tr. 61.
  28. ^ Morocco, tr. 63.
  29. ^ Morocco, tr. 63.
  30. ^ Tilford, tr. 108.
  31. ^ Morocco, tr. 62.
  32. ^ Karnow, tr. 415.
  33. ^ NSAM 328, 6 April 1965. Neil Sheehan, et al. The Pentagon Papers. New York: Ballentine, 1971, tr. 442-443. Xem thêm Tilford, tr. 115.
  34. ^ Schilght, Air War in South Vietnam. tr. 33.
  35. ^ Chris Hobson, Vietnam Air Losses. Hinkley UK: Midland Press, 2001, tr. 15-166. Các thiệt hại này không chỉ bao gồm máy bay bị bắn rơi mà còn tính cả các nguyên nhân tai nạn, hỏng hóc, và các nguyên nhân không xác định.
  36. ^ Van Staaveren, tr. 316.
  37. ^ Morocco, tr. 107.
  38. ^ Morocco, tr. 109.
  39. ^ Morocco, tr. 109.
  40. ^ Morocco, tr. 130
  41. ^ Morocco, tr. 131.
  42. ^ Van Staaveren, tr. 83.
  43. ^ Morocco, tr. 96.
  44. ^ Morocco, tr. 137.
  45. ^ Morocco, tr. 102.
  46. ^ Thompson, tr. 40. Con số năm 1972 cũng có thể phản ánh việc triển khai lại các tiểu đoàn phòng không sau khi kết thúc chiến dịch Sấm Rền để phòng thủ cho Đường Trường Sơn ở Lào. Xem Chiến dịch Commando Hunt.
  47. ^ Thompson, tr. 311.
  48. ^ Morocco, tr. 102.
  49. ^ Thompson, tr. 35. Trong 4 tháng cuối của năm 1966, 192 máy bay Mỹ đã bị chặn bởi các máy bay MiG. Trong số đó, 107 (56%) buộc phải vứt bom xuống biển. Morocco, tr. 142.
  50. ^ Morocco, tr. 148.
  51. ^ Morocco, tr. 135-139.
  52. ^ Tilford, tr. 112.
  53. ^ Morocco, p. 98.
  54. ^ Morocco, tr. 100.
  55. ^ Thompson, tr. 50.
  56. ^ Thompson, tr. 40. Thời gian trung bình cho việc di dời một khẩu đội SAM là 4 tiếng. Cần thêm 2 tiếng nữa để địa điểm bắn mới có thể hoạt động được.
  57. ^ Thompson, tr. 41.
  58. ^ Hobson, tr. 15-166.
  59. ^ Người nhiệt tâm nhất trong cuộc tiềm kiếm hòa bình là Allen E. Goodman, The Search for a Negotiated Settlement of the Vietnam War.
  60. ^ Van Staaveren, tr. 147.
  61. ^ Thompson, tr. 17.
  62. ^ Schlight, A War Too Long, tr. 52.
  63. ^ Morocco, tr. 159.
  64. ^ Morocco, tr. 159.
  65. ^ Hobson, 15-166. Xem thêm, tr. 159.
  66. ^ McNamara, tr. 265-271.
  67. ^ McNamara, tr. 275-277. Xem thêm Morocco, tr. 153-154.
  68. ^ Tilford, tr. 120. Giới quân sự không thể lùi bước. Trừ khi có cơ hội thể hiện tiềm năng đầy đủ của lực lượng quân sự, họ lo ngại về thiệt hại trong các vai trò trong tương lai và ngân sách giảm. Morocco, tr. 153
  69. ^ Tilford, tr. 138.
  70. ^ Morocco, tr. 154.
  71. ^ McNamara, tr. 284-291.
  72. ^ Thompson, tr. 81-82.
  73. ^ Morocco, tr. 156.
  74. ^ Karnow, tr. 454.
  75. ^ Tilford, tr. 149-150.
  76. ^ Thompson, tr. 135-136.
  77. ^ Morocco, tr. 183. Xem thêm Thompson, tr. 136-139.
  78. ^ Morocco, tr. 183-184.
  79. ^ Thompson, tr. 145.
  80. ^ Thompson, tr. 151.
  81. ^ Wayne Thompson, To Hanoi and Back. Washington DC: Smithsonian Institute Press, 2002, p. 303.
  82. ^ Berger, Carl, ed., The United States Air Force in Southeast Asia. Washington DC: Office of Air Force History, 1977, p. 366.
  83. ^ Texas Tech University, Vietnam Virtual Archive, Appraisal of the Bombing of North Vietnam (through 1 January 1968), tr. 32.
  84. ^ Chris Hobson, Vietnam Air Losses. Hinkley UK: Midland Press, 2001, tr. 15-166.
  85. ^ Schlight, A War Too Long, tr.53
  86. ^ Schlight, A War too Long, tr. 53.
  87. ^ Marolda, Edward J. By Sea, Air, and Land: An Illustrated History of the U.S. Navy and the War in Southeast Asia. Washington DC: Naval Historical Center, 1994., tr. 82.
  88. ^ Tilford, tr. 106.
  89. ^ Tilford, p. 155.
Ngôn ngữ khác


aa - ab - af - ak - als - am - an - ang - ar - arc - as - ast - av - ay - az - ba - bar - bat_smg - bcl - be - be_x_old - bg - bh - bi - bm - bn - bo - bpy - br - bs - bug - bxr - ca - cbk_zam - cdo - ce - ceb - ch - cho - chr - chy - co - cr - crh - cs - csb - cu - cv - cy - da - de - diq - dsb - dv - dz - ee - el - eml - en - eo - es - et - eu - ext - fa - ff - fi - fiu_vro - fj - fo - fr - frp - fur - fy - ga - gan - gd - gl - glk - gn - got - gu - gv - ha - hak - haw - he - hi - hif - ho - hr - hsb - ht - hu - hy - hz - ia - id - ie - ig - ii - ik - ilo - io - is - it - iu - ja - jbo - jv - ka - kaa - kab - kg - ki - kj - kk - kl - km - kn - ko - kr - ks - ksh - ku - kv - kw - ky - la - lad - lb - lbe - lg - li - lij - lmo - ln - lo - lt - lv - map_bms - mdf - mg - mh - mi - mk - ml - mn - mo - mr - mt - mus - my - myv - mzn - na - nah - nap - nds - nds_nl - ne - new - ng - nl - nn - no - nov - nrm - nv - ny - oc - om - or - os - pa - pag - pam - pap - pdc - pi - pih - pl - pms - ps - pt - qu - quality - rm - rmy - rn - ro - roa_rup - roa_tara - ru - rw - sa - sah - sc - scn - sco - sd - se - sg - sh - si - simple - sk - sl - sm - sn - so - sr - srn - ss - st - stq - su - sv - sw - szl - ta - te - tet - tg - th - ti - tk - tl - tlh - tn - to - tpi - tr - ts - tt - tum - tw - ty - udm - ug - uk - ur - uz - ve - vec - vi - vls - vo - wa - war - wo - wuu - xal - xh - yi - yo - za - zea - zh - zh_classical - zh_min_nan - zh_yue - zu -