Cộng hòa Séc
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Česká republika
Cộng hòa Séc
|
||||||
---|---|---|---|---|---|---|
|
||||||
Khẩu hiệu Pravda vítězí (Tiếng Séc: "Sự thật sẽ thắng thế") |
||||||
Quốc ca Kde domov můj |
||||||
Thủ đô (và là thành phố lớn nhất) |
Praha |
|||||
Ngôn ngữ chính thức | Tiếng Séc | |||||
Chính phủ | Cộng hoà | |||||
- | Tổng thống | Václav Klaus | ||||
- | Thủ tướng | Mirek Topolánek | ||||
Độc lập | (hình thành thế kỷ thứ 9) | |||||
- | từ Áo-Hung | 28 tháng 10 1918 | ||||
- | Tiệp Khắc tan rã | 1 tháng 1 1993 | ||||
Gia nhập Liên minh châu Âu |
1 tháng 5 2004 | |||||
Diện tích | ||||||
- | Tổng số | 78,866 km² (hạng 114) |
||||
- | Nước (%) | 2% | ||||
Dân số | ||||||
- | Ước lượng 2005 | 10.241.138 (hạng 79) | ||||
- | Điều tra 2001 | 10.230.060 (hạng 79) | ||||
- | Mật độ | 130 /km² (hạng 58) |
||||
GDP (PPP) | Ước tính 2005 | |||||
- | Tổng số | 198,976 tỷ Mỹ kim (hạng 41) | ||||
- | Theo đầu người | 19.488 Mỹ kim (hạng 39) | ||||
HDI (2003) | 0,874 (cao) (hạng 31) | |||||
Đơn vị tiền tệ | Koruna (CZK ) |
|||||
Múi giờ | CET (UTC+1) | |||||
- | Mùa hè (DST) | CEST (UTC+2) | ||||
Tên miền Internet | .cz | |||||
Mã số điện thoại | +420 |
Cộng hòa Séc (tiếng Séc: Česká republika; ) là một quốc gia thuộc khu vực Trung Âu và không giáp biển. Cộng hòa Séc giáp Ba Lan về phía bắc, giáp Đức về phía tây, giáp Áo về phía nam và giáp Slovakia về phía đông. Theo số liệu tháng 7 năm 2007, dân số Cộng hòa Séc là 10.228.744 người[1], mật độ dân số khoảng 130 người/km².
Lãnh thổ Cộng hòa Séc ngày nay bao gồm các vùng đất đã từng tồn tại trong lịch sử là Bohemia, Moravia và một phần Silesia. Séc trở thành một bộ phận của Đế chế Áo và Đế chế Áo-Hung trong nhiều thế kỉ cho đến năm 1918, khi Séc cùng với Slovakia tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Tiệp Khắc. Trong Thế chiến thứ hai, Tiệp Khắc bị phát xít Đức chiếm đóng. Sau đó, nước này trở thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa cho đến năm 1989 khi cuộc Cách mạng Nhung lụa yên bình diễn ra, đưa đất nước trở về tiến trình dân chủ. Ngày 1 tháng 1 năm 1993, một cuộc chia ly êm thắm đã diễn ra, Tiệp Khắc lại tách thành hai nước là Cộng hòa Séc và Cộng hòa Slovakia.
Cộng hòa Séc là một quốc gia đa đảng theo chế độ dân chủ nghị viện. Tổng thống là người đứng đầu nhà nước, còn thủ tướng là người đứng đầu chính phủ. Quốc hội có hai viện gồm thượng viện và hạ viện. Cộng hòa Séc đã gia nhập NATO vào năm 1999 và trở thành một thành viên của Liên minh Châu Âu từ năm 2004. Ngày 21 tháng 12 năm 2007, Cộng hòa Séc đã thông qua Hiệp ước Schengen, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và du lịch vào nước này.
Mối quan hệ ngoại giao giữa Cộng hòa Séc và Việt Nam được duy trì và phát triển từ mối quan hệ giữa Tiệp Khắc và Việt Nam (thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 2 tháng 2 năm 1950)[2].
Mục lục |
[sửa] Tên gọi
Sau khi Tiệp Khắc (Československo hay Czechoslovakia trong tiếng Anh, bao gồm Séc và Slovakia) giải tán, Séc không có tên gọi chính thức trong tiếng Anh. Năm 1993, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Séc đề nghị tên Czechia như là một tên thay thế chính thức cho tất cả trường hợp không phải là các văn bản chính thức và tên gọi của cơ quan chính quyền, nhưng tên gọi này không được dùng rộng rãi. Trang web chính thức nước Cộng hòa Séc (www.czech.cz) đã không còn sử dụng tên Czechia từ năm 2005.
Trong tiếng Séc, tương đương của "Séc" là Česko và tương đương của "Cộng hòa Séc" là Česká republika.
[sửa] Lịch sử
[sửa] Những cuộc di cư đến Séc
Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy bằng chứng của người tiền sử sinh sống tại vùng đất ngày nay là nước Cộng hòa Séc. Từ thế kỉ thứ 3 trước công nguyên, các bộ tộc Celt, Boii đã đến Séc định cư. Đến thế kỉ 1, các bộ tộc Marcomanni và Quani cũng đến sinh sống tại vùng đất này. Nhưng tổ tiên chính của người Séc ngày nay là người Slav, bao gồm các bộ tộc Bohemia và Moravia, di cư đến Séc vào khoảng thế kỉ 6. Họ có xuất xứ từ vùng Biển Đen và quanh dãy núi Carpat.
[sửa] Vương quốc của vua Samo
Năm 560, người Avar từ những vùng thảo nguyên Trung Á đã đến khu vực lòng chảo Carpath và chinh phục các vùng đất của người Slav. Họ đã thành lập một đế chế rộng lớn ở vùng Trung Âu. Tuy nhiên, sau khi người Avar bị đánh bại tại Konstantinoúpolis vào đầu thế kỉ 7 thì người Slav ở phía bắc sông Donau đã bắt đầu nổi dậy.
Samo là một thương nhân người Frank. Ông đã tham gia cuộc khởi nghĩa của người Slav để chống lại người Avar vào năm 623. Dưới sự chỉ huy của Samo, người Slav đã giành chiến thắng và tôn Samo lên làm vua. Samo đã trở thành người thống trị của vương quốc Slav đầu tiên, được biết đến với cái tên "Đế chế của Vua Samo" hay "Vương quốc của vua Samo" (tiếng Séc: Sámova říše). Đây là tổ chức chính quyền đầu tiên của người Slav, nhưng thực tế đây là một liên minh của các bộ lạc lớn mạnh chứ không thực sự là một quốc gia quân chủ chuyên chế.
[sửa] Đại Moravia
Sau khi Đế chế của vua Samo tan rã, người Moravia và Nitra đã thành lập các công quốc mới hùng mạnh. Năm 833, Mojmir I của Moravia đã tấn công và sát nhập công quốc Nitra, lập ra một công quốc duy nhất là Đại Moravia (Velká Morava).
Năm 846, Mojmir I nhường ngôi cho một người cháu của mình là Rastislav (846-870). Dưới thời Rastislav, một cuộc cải cách văn hóa lớn đã diễn ra khi hai nhà truyền giáo Cyril và Methodius được ông mời đến Đại Moravia để truyền bá đạo Thiên chúa vào đất nước này. Họ cũng góp công lớn trong việc xây dựng bảng chữ cái của người Slav, tức bảng ký tự Cyril.
Dưới thời vua Svatopluk I, Đại Moravia đạt tới sự mở rộng lớn nhất về diện tích. Lãnh thổ của nó trải dài trên các vùng đất ngày nay là Hungary, Ba Lan, Áo, Đức, Serbia, Slovenia, Croatia và Ukraina. Về sau, những cuộc chiến tranh liên miên với Đế chế Frank đã làm cho Đại Moravia suy yếu và những người Hungary xâm lược đã khiến đất nước tan rã vào đầu thế kỉ thứ 10.
[sửa] Thời kỳ Trung cổ
Năm 995, công quốc Bohemia thành lập dưới sự lãnh đạo của vương triều Premyslid, thành viên của một bộ tộc tên là Séc. Vương triều Premyslid đã thống nhất các vương triều Séc khác và thành lập một chính quyền trung ương vững mạnh.
Đầu thế kỉ 11, công quốc Bohemia đã chinh phục nước Đại Moravia. Tuy Moravia vẫn là một lãnh địa tách biệt của Bohemia song nước này lại bị cai trị bởi một trong những người con trai của vua Bohemia.
Sang thế kỉ 14 là thời đại hoàng kim của Séc. Vào năm 1306, dòng họ Premyslid không có người kế vị. Sau nhiều cuộc chiến tranh giành quyền lực đẫm máu, dòng họ Luxemburg đã đoạt được ngôi vua Bohemia. Vị vua thứ hai của triều đại Luxemburg là Karel IV (1342-1378, Charles trong tiếng Anh và tiếng Pháp, Karl trong tiếng Đức) đã đưa đất nước Bohemia trở nên hùng mạnh. Năm 1344, ông nâng chức giám mục của thành phố Praha lên thành tổng giám mục đồng thời kiềm chế quyền lực của các quý tộc Séc và đưa Bohemia, Moravia trở thành các quận hành chính, và đưa Brandenburg (tới năm 1415), Lusatia (tới năm 1635), Silesia (tới năm 1742) vào quyền kiểm soát của Séc. Karel IV cũng đã biến Praha trở thành một thủ đô hoa lệ với rất nhiều công trình xây dựng, tiêu biểu như pháo đài Praha và cầu Karl. Ông cũng thành lập Đại học Karlova ở Praha (Univerzita Karlova) năm 1348 với mong muốn biến Praha thành một trung tâm học vấn của châu Âu.
Vào thế kỉ 15, một cuộc chiến tranh tôn giáo đẫm máu đã diễn ra tại Séc, lịch sử gọi là cuộc Chiến tranh Hussite. Đất nước Séc suy yếu và đến năm 1526, Séc đã bị sát nhập vào đế chế Habsburg.
[sửa] Thời kỳ thuộc triều đại Habsburg
Sau khi bị sát nhập vào Đế chế Habsburg, người Séc bắt đầu bị đồng hóa. Tiếng Séc bị cấm sử dụng và tiếng Đức trở thành ngôn ngữ chính thức ở Séc.
Năm 1618, người Bohemia đã nổi dậy chống lại triều đình Habsburg. Họ đã chọn một người theo đường lối của Jean Calvin là Frederick của Palatinate (Fridrich Falcký) lên ngôi. Nhưng đến ngày 6 tháng 11 năm 1620, quân đội Séc bị đánh bại tại Trận Núi Trắng (Bitva na Bílé hoře). Cuộc Chiến tranh Ba Mươi Năm (1618-1648) đã phá hủy phần lớn những làng mạc, thành phố của Bohemia.
Đến thời nữ hoàng Maria Theresa và con trai bà, vua Joseph II, những người chịu ảnh hưởng của Thời đại Khai sáng, tình hình Bohemia bắt đầu có những chuyển biến. Tuy chính sách đồng hóa vẫn không thay đổi, nhưng tình hình xã hội, giáo dục đã được cải thiện cho người Séc. Vào thế kỉ 19, chủ nghĩa bành trướng của Pháp dưới thời vua Napoleon I đã kích thích tinh thần phục hưng dân tộc của người Séc. Tầng lớp trí thức mới đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phục hưng và phát triển ngôn ngữ dân tộc. Tháng 2 năm 1848, cuộc Cách mạng tháng 2 ở Pháp đã làm bùng nổ một cao trào cách mạng tư sản lan khắp châu Âu. Vào ngày 12 tháng 6 năm 1848, khởi nghĩa của những người dân chủ cấp tiến và được sự hưởng ứng nhiệt liệt của nhân dân đã bùng nổ tại Praha, nhưng đến ngày 17 tháng 6, cuộc khởi nghĩa bị dập tắt.
Năm 1867, nhà nước quân chủ lưỡng hợp Áo-Hung được thành lập, trong đó Séc nằm trong tầm ảnh hưởng của nước Áo. Vào những năm cuối cùng của đế chế Áo-Hung, tình hình giữa người Séc và người Đức ở Bohemia ngày càng trở nên căng thẳng. Mối quan hệ xấu đi giữa các dân tộc trong đế chế đã đẩy nhanh sự sụp đổ của quốc gia này. Năm 1900, Tomáš Masaryk, người sau này trở thành tổng thống Tiệp Khắc đã thành lập Đảng Tiến bộ Séc. Ý tưởng về một quốc gia kết hợp giữa hai dân tộc Séc và Slovakia bắt đầu được hình thành.
[sửa] Tiệp Khắc (1918-1993)
Sau khi Thế chiến thứ nhất kết thúc cùng với sự sụp đổ của Đế chế Áo-Hung, ngày 28 tháng 10 năm 1918, Cộng hòa Tiệp Khắc (bao gồm Séc và Slovakia ngày nay) tuyên bố độc lập. Hiệp ước St. Germain được ký kết vào tháng 9 năm 1919 đã chính thức công nhận nền cộng hòa mới của Tiệp Khắc. Sau đó, Ruthenia cũng được sát nhập vào Tiệp Khắc vào tháng 6 năm 1920. Quốc gia Tiệp Khắc mới thành lập có dân số khoảng 13,5 triệu người, thừa hưởng tới 70-80% các cơ sở công nghiệp của Áo-Hung. Lúc đó Tiệp Khắc là một trong mười nước công nghiệp hóa nhất thế giới.
Trước chiến tranh thế giới thứ hai, chính quyền phát xít ở Đức bắt đầu đe dọa tiến hành xâm lược Trung Âu. Sau khi sáp nhập nước Áo vào lãnh thổ Đức, Tiệp Khắc trở thành mục tiêu tiếp theo của phát xít Đức. Tháng 4 năm 1938, Đức nêu yêu sách đòi vùng đất Sudentenland của Tiệp Khắc. Ngày 29 tháng 9 năm 1938, Hiệp ước München được ký kết. Anh, Pháp vì không muốn chiến tranh với Đức đã quyết định vứt bỏ liên minh quân sự với Tiệp Khắc. Và hậu quả là đến ngày 16 tháng 3 năm 1939, toàn bộ lãnh thổ Tiệp Khắc đã bị Đức chiếm đóng. Trong những năm Thế chiến thứ hai, khoảng 390.000 người dân thành thị, trong đó có 83.000 người Do Thái đã bị giết hại hoặc bị hành quyết. Hàng trăm ngàn người đã bị đưa vào các nhà tù và các trại tập trung để làm công việc khổ sai. Chiến tranh kết thúc vào ngày 9 tháng 5 năm 1945 với việc cuộc khởi nghĩa Praha lật đổ ách thống trị của phát xít Đức thành công và quân đội Liên Xô và Mỹ tiến vào Tiệp Khắc.
Từ năm 1945-1946, hầu như toàn bộ người Đức thiểu số (khoảng 2,7 triệu người) đã bị trục xuất khỏi Tiệp Khắc sang Đức và Áo. Sau Thế chiến thứ hai, Đảng Cộng sản Tiệp Khắc nhanh chóng phát triển do sự thất vọng của người Tiệp Khắc đối với phương Tây vì đã vứt bỏ họ trong Hiệp ước München và do ảnh hưởng ngày càng mạnh của Liên Xô. Trong cuộc bẩu cử năm 1946, Đảng Cộng sản đã giành được tỉ lệ phiếu 38%, trở thành chính đảng lớn nhất và chính thức cầm quyền từ tháng 2 năm 1948. Sau đó, Đảng Cộng sản Tiệp Khắc đã xây dựng một chính quyền toàn cộng sản.
Sau khi nắm quyền, Đảng Cộng sản Tiệp Khắc đã quốc hữu hóa các ngành kinh tế, xây dựng một nền kinh tế kế hoạch. Kinh tế tăng trưởng nhanh trong thập niên 1950 và thập niên 1960, sau đó bắt đầu giảm sút từ thập niên 1970 và rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Chính quyền cộng sản trở nên thiếu dân chủ. Năm 1968, phong trào Mùa Xuân Praha bùng nổ đòi mở rộng tự do dân chủ và thực hiện đa nguyên chính trị, song sau đó bị quân đội Liên Xô đàn áp và dập tắt.
Tháng 11 năm 1989, cuộc Cách mạng Nhung lụa diễn ra trong hòa bình, đưa đất nước Tiệp Khắc trở lại quá trình dân chủ. Ngày 1 tháng 1 năm 1993, Tiệp Khắc diễn ra cuộc "chia li trong hòa bình". Hai dân tộc Séc và Slovakia tách ra, thành lập hai quốc gia mới là Cộng hòa Séc và Cộng hòa Slovakia.
[sửa] Cộng hòa Séc (từ 1993 đến nay)
Sau khi lại trở thành một quốc gia độc lập vào năm 1993, quốc hội Cộng hòa Séc đã quyết định giữ nguyên lá cờ của Liên bang Tiệp Khắc cũ làm là cờ của Cộng hòa Séc. Cùng năm đó, nước này gia nhập Liên Hiệp Quốc. Đến năm 1995, Cộng hòa Séc trở thành một thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ngày 12 tháng 3 năm 1999, Cộng hòa Séc gia nhập NATO. Vào năm 2004, cùng với 9 quốc gia Đông Âu và Nam Âu khác, Cộng hòa Séc đã trở thành một thành viên của Liên minh Châu Âu[3]. Kinh tế Cộng hòa Séc đi theo nền kinh tế thị trường và đang trên đà phát triển mạnh, song cũng vẫn phải đối mặt với nhiều mạo hiểm và thách thức to lớn.
[sửa] Chính trị
[sửa] Hệ thống chính trị
Cộng hòa Séc là một quốc gia đa đảng theo chế độ dân chủ nghị viện. Theo hiến pháp, tổng thống là người đứng đầu nhà nước còn thủ tướng là người điều hành chính phủ.
Tổng thống Cộng hòa Séc được bầu bởi Quốc hội với nhiệm kỳ 5 năm. Theo Hiến pháp, một tổng thống không được phép nắm quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Tổng thống có vai trò chủ yếu về mặt nghi thức song ông cũng có thể dừng thông qua một đạo luật hoặc giải tán quốc hội trong những trường hợp đặc biệt. Tổng thống hiện nay của Cộng hòa Séc là ông Václav Klaus.
Thủ tướng Cộng hòa Séc là người đứng đầu chính phủ. Thủ tướng nắm trong tay nhiều quyền lực lớn như quyết định các vấn đề đối nội và đối ngoại, triệu tập quốc hội và chọn ra các bộ trưởng của chính phủ. Thủ tướng hiện nay của Cộng hòa Séc là ông Mirek Topolánek.
Quốc hội của Cộng hòa Séc được tổ chức theo mô hình lưỡng viện, bao gồm hạ viện và thượng viện. Hạ viện (Poslanecká sněmovna) gồm 200 ghế còn thượng viện (Senát) bao gồm 81 ghế. Tại Cộng hòa Séc có 14 khu vực bầu cử tương ứng với 14 khu vực hành chính của cả nước.
Tòa án tối cao của Cộng hòa Séc gồm có 15 thành viên và có nhiệm kỳ 10 năm. Các thành viên của tòa án tối cao được chỉ định bởi tổng thống và được thông qua bởi thượng viện.
Là một quốc gia đa đảng, chính trường Cộng hào Séc có sự tham gia của rất nhiều đảng phái. Hai đảng có ảnh hưởng lớn nhất ở Cộng hòa Séc là Đảng Công dân Dân chủ (Občanská demokratická strana) và Đảng Xã hội Dân chủ Séc (Česká strana sociálně demokratická).
[sửa] Quân đội
Quân đội Séc gồm có lục quân, không quân và lực lượng hậu cần đặc biệt. Quân đội Séc ngày nay là một phần của Quân đội Tiệp Khắc trước kia, vốn là một trụ cột quan trọng của Hiệp ước Warsaw cho đến tận năm 1989. Kể từ khi gia nhập NATO vào ngày 12 tháng 3 năm 1999, lực lượng quân đội Séc đã có những sự thay đổi dáng kể về nhiều mặt. Tuy số lượng binh lính giảm xuống còn khoảng 67.000 nhưng về mặt chất lượng lại được nâng cao và trình độ tổ chức chuyên nghiệp hơn. Năm 2004, chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc bị giải thể[4].
Lực lượng quân đội Séc ngoài nhiệm vụ phòng thủ, bảo vệ đất nước còn tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại Iraq, Afghanistan, Bosna và Hercegovina, Kosovo. Năm 2005, ngân sách quốc phòng của Cộng hòa Séc đạt khoảng hơn 2 tỉ USD, chiếm 1,81% GDP[5].
[sửa] Phân chia hành chính
Bắt đầu từ năm 2000, Cộng hòa Séc được chia thành 13 khu vực (kraje hoặc kraj) và một thành phố thủ đô là Praha. Mỗi khu vực có một Hội đồng Địa phương (krajské zastupitelstvo) được bầu chọn qua bầu cử và người lãnh đạo riêng (hejtman). Ở Praha, quyền lực được thi hành bởi Hội đồng Thành phố và thị trưởng của Praha.
Kí hiệu | Khu vực | Thủ phủ | Dân số (năm 2004) | Dân số (năm 2007) |
---|---|---|---|---|
A | Thủ đô Praha (Hlavní město Praha) | 1,170,571 | 1,194,407 | |
S | Vùng Bohemian Trung tâm (Středočeský kraj) | văn phòng đặt tại Praha | 1,144,071 | 1,181,374 |
C | Vùng Nam Bohemian (Jihočeský kraj) | České Budějovice | 625,712 | 630,487 |
P | Vùng Plzeň (Plzeňský kraj) | Plzeň | 549,618 | 555,491 |
K | Vùng Karlovy Vary (Karlovarský kraj) | Karlovy Vary | 304,588 | 305,348 |
U | Vùng Ústí nad Labem (Ústecký kraj) | Ústí nad Labem | 822,133 | 824,490 |
L | Vùng Liberec (Liberecký kraj) | Liberec | 427,563 | 431,523 |
H | Vùng Hradec Králové (Královéhradecký kraj) | Hradec Králové | 547,296 | 550,168 |
E | Vùng Pardubice (Pardubický kraj) | Pardubice | 505,285 | 508,250 |
M | Vùng Olomouc (Olomoucký kraj) | Olomouc | 635,126 | 640,248 |
T | Vùng Moravian-Silesian (Moravskoslezský kraj) | Ostrava | 1,257,554 | 1,249,337 |
B | Vùng Nam Moravian (Jihomoravský kraj) | Brno | 1,123,201 | 1,133,636 |
Z | Vùng Zlín (Zlínský kraj) | Zlín | 590,706 | 589,897 |
J | Vùng Vysočina (Vysočina kraj) | Jihlava | 517,153 | 512,053 |
Mỗi khu vực nói trên của Cộng hòa Séc được coi là một vùng cấp ba của Liên minh châu Âu. Trong khi đó, toàn bộ lãnh thổ Cộng hòa Séc được coi là một vùng cấp hai của Liên minh châu Âu. (Xem Các vùng của Liên minh châu Âu)
[sửa] Địa lý
[sửa] Địa hình
Về mặt địa lý, Cộng hòa Séc nằm ở khu vực Trung Âu còn theo phân loại của Liên Hiệp Quốc thì nước này thuộc khu vực Đông Âu. Về mặt lịch sử và văn hóa, Cộng hòa Séc được xem là có liên hệ gần gũi hơn với các nước Đông Âu, đặc biệt là trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Diện tích của Cộng hòa Séc tương đối nhỏ, xếp hàng thứ 115 thế giới (xem Danh sách quốc gia theo diện tích). Tổng diện tích của nước này là 78.886 km², trong đó phần đất chiếm 77.276 km² và phần nước chiếm 1.590 km². Do bị bao quanh bởi các quốc gia khác nên Cộng hòa Séc không giáp biển. Nước này có chung đường biên giới 1.881 km với các nước Đức về phía tây, Ba Lan về phía đông bắc, Slovakia về phía đông nam và Áo về phía nam.
Về mặt lịch sử, lãnh thổ Cộng hòa Séc có thể chia làm 3 vùng lịch sử: Bohemia, Moravia và Silesia. Lưu ý rằng Silesia chỉ có một phần nhỏ lãnh thổ ở Cộng hòa Séc.
Địa hình nước này có thể chia thành 2 miền chính: Bohemia ở phía tây và Moravia ở phía đông. Địa hình Bohemia có cấu trúc như một bồn địa, gồm những đồng bằng rộng và cao nguyên được bao bọc xung quanh bởi những dãy núi thấp. Những dãy núi chính bao quanh Bohemia gồm dãy Karkonosze và dãy Sudeten. Đỉnh núi Snezka tại Bohemia và ngọn núi cao nhất Cộng hòa Séc (1602 m). Trong khi địa hình Bohemia khá bằng phẳng thì ngược lại, địa hình Moravia lại chủ yếu là đồi núi. Cộng hòa Séc cũng là nơi bắt nguồn của nhiều con sông lớn tại châu Âu như sông Elbe, sông Vltava ở xứ Bohemia và sông Morava ở xứ Moravia. Các con sông của nước này chảy vào các biển khác nhau như: biển Bắc, biển Baltic và biển Đen.
Về khoáng sản, Cộng hòa Séc có một số tài nguyên như than đá, than chì, cao lanh, đất sét, gỗ xây dựng...
[sửa] Khí hậu
Cộng hòa Séc nằm trong khu vực khí hậu ôn hòa. Do nằm sâu trong lục địa và không còn chịu các tác động của biển nên Cộng hòa Séc có khí hậu ôn đới lục địa, một trong những nguyên nhân gây ra sự chênh lệch lớn giữa thời tiết mùa hạ và mùa đông tại nước này. Sự đa dạng của địa hình cũng góp phần làm nên sự phức tạp của các kiểu khí hậu khác nhau tại Cộng hòa Séc.
Nhìn chung trên toàn lãnh thổ Cộng hòa Séc, khí hậu về mùa đông thường khá lạnh nhưng cũng không đến nỗi quá khắc nghiệt. Nhiệt độ trung bình thấp nhất tại nước này vào tháng 1, tháng lạnh nhất trong năm là -5,4°C. Tuyết thường rơi nhiều hơn tại những vùng núi cao nhưng tan nhanh tại các vùng thấp của Cộng hòa Séc khiến cho mùa đông ở nước này tương đối ẩm. Khi mùa đông kết thúc, băng tuyết tan chảy nhanh làm mực nước các con sông dâng cao và thỉnh thoảng có thể gây ra những trận lũ lớn. Mùa hè tại Cộng hòa Séc thường ấm áp. Nhiệt độ trung bình cao nhất vào tháng 7, tháng nóng nhất tại Cộng hòa Séc là 23,3°C[6]. Mùa hè tại nước này thường có nhiều mưa. Bên cạnh đó, những trận bão mạnh từ Đại Tây Dương có thể tràn vào nước này cũng mang theo một lượng mưa khá lớn. Nhiệt độ và lượng mưa giảm dần về mùa thu và các rừng cây bắt đầu rụng lá.
[sửa] Nhân khẩu
Năm | Tổng cộng | Thay đổi | Năm | Tổng cộng | Thay đổi |
---|---|---|---|---|---|
1857 | 7,016,531 | — | 1930 | 10,674,386 | 6.6% |
1869 | 7,617,230 | 8.6% | 1950 | 8,896,133 | -16.7% |
1880 | 8,222,013 | 7.9% | 1961 | 9,571,531 | 7.6% |
1890 | 8,665,421 | 5.4% | 1970 | 9,807,697 | 2.5% |
1900 | 9,372,214 | 8.2% | 1980 | 10,291,927 | 4.9% |
1910 | 10,078,637 | 7.5% | 1991 | 10,302,215 | 0.1% |
1921 | 10,009,587 | -0.7% | 2001 | 10,230,060 | -0.7% |
Dân số của Cộng hòa Séc hiện nay khoảng 10,3 triệu người. Trong suốt lịch sử, dân số của nước này có nhiều biến động. Số liệu thống kế năm 1857 cho thấy dân số của vùng đất Séc lúc đó là khoảng 7 triệu người[8]. Sau đó con số này tăng dần qua các năm và đến đầu thế kỉ 20 thì đạt xấp xỉ 9,4 triệu dân. Sang năm 1910, dân số của Séc vượt qua ngưỡng 10 triệu. Hai cuộc Thế chiến thứ nhất và Thế chiến thứ hai đã khiến cho dân số của nước này giảm sút nghiêm trọng. Sau chiến tranh, số lượng nhân khẩu của nước này tiếp tục phục hồi. Nhưng hiện nay dân số của Cộng hòa Séc lại có chiều hướng giảm xuống, tuy phần nào đỡ hơn các nước Đông Âu khác. Theo báo cáo dân số năm 2006 của Liên Hiệp Quốc, tốc độ tăng dân số của Cộng hòa Séc là -0,03%[9]. Nguyên nhân là do tỉ lệ sinh của nước này giảm cùng với việc Cộng hòa Séc gia nhập EU năm 2004, làm xuất hiện một dòng người nhập cư sang các nước phát triển hơn ở Tây Âu kiếm sống.
Đa phần dân cư của Cộng hòa Séc là người Séc, chiếm tỉ lệ 95%. Bên cạnh đó, tại Séc còn có nhiều cộng đông dân tộc thiểu số khác như người Slovakia, người Đức, người Ba Lan, người Hungary, người Việt Nam. Sau khi Liên bang Tiệp Khắc tan rã, một bộ phận người Slovakia vẫn tiếp tục ở lại Cộng hòa Séc và trở thành nhóm sắc tộc thiểu số lớn nhất nước này, chiếm 3% dân số. Xếp tiếp sau đó là người Ba Lan. Ở Cộng hòa Séc có một số trường tiểu học và trung học cơ sở dạy tiếng Ba Lan. Trước kia, người Đức chiếm một tỉ lệ khá lớn trong dân số Séc nhưng sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, chính quyền Tiệp Khắc đã ra lệnh trục xuất khoảng 3 triệu người Đức ra khỏi lãnh thổ nước này. Ngày nay cộng đồng người Đức tại Séc chỉ còn lại rất ít và có nguy cơ bị đồng hóa do tiếng Đức không phải là một ngôn ngữ phổ biến tại đây.
Bên cạnh các dân tộc có nguồn gốc từ các quốc gia láng giềng trong khu vực, còn có một số dân tộc khác mới nhập cư vào Séc trong thế kỉ 20. Khi cuộc nội chiến Hy Lạp xảy ra, rất nhiều người Hy Lạp đã chạy sang Tiệp Khắc, đầu tiên là những trẻ em tị nạn vào năm 1948-1949 rồi tiếp đó là thân nhân và cả những người cánh tả tại Hy Lạp. Cộng đồng người gốc Á lớn nhất tại Cộng hòa Séc là người Việt Nam. Người Việt Nam đến Tiệp Khắc lần đầu vào năm 1956 để du học theo thỏa thuận về giáo dục giữa hai chính phủ cộng sản lúc bấy giờ. Số người Việt Nam nhập cư vào Cộng hòa Séc tăng nhanh cho đến khi chế độ xã hội chủ nghĩa tại nước này sụp đổ vào năm 1989. Thế hệ đầu tiên của người Việt Nam tại đây chủ yếu kinh doanh trong những cửa hàng nhỏ, còn thế hệ người Việt tiếp theo sinh ra tại Séc nổi tiếng với thành tích học tập rất tốt[10].
Còn một lưu ý nữa là cộng đồng người Do Thái từng có một cộng đồng rất lớn tại Cộng hòa Séc nhưng đa phần họ trong Thế chiến Thứ hai đã bị phát xít Đức tàn sát. Ngày nay tại Séc có rất ít người Do Thái nhưng những nét văn hóa của họ vẫn còn được gìn giữ, đặc biệt là tại thủ đô Praha.
Theo thống kế năm 2001, 59% dân số Cộng hòa Séc không theo một tôn giáo nào, một tỉ lệ khá lớn nếu so sánh với các nước láng giềng như Đức và Ba Lan[11]. Tôn giáo phổ biến nhất tại Cộng hòa Séc là đạo Thiên chúa, chiếm tỉ lệ 26,8%. Đạo Tin lành chiếm tỉ lệ 2,1%.
[sửa] Kinh tế
[sửa] Khái quát lịch sử
Vào thế kỉ 19, hai vùng đất Bohemia và Moravia của Cộng hòa Séc ngày nay là trung tâm công nghiệp chính của Đế chế Áo-Hung. Vì vậy sau khi Đế chế Áo-Hung sụp đổ sau Thế chiến thứ nhất, nước này đã thừa kế một phần lớn những cơ sở công nghiệp. Vào thời điểm đó, Tiệp Khắc được đánh giá là một nước có cơ sở hạ tầng tốt với trình độ dân trí cao song nhiều nhà máy và thiết bị của nước này có phần lạc hậu hơn so với các nước tư bản Tây Âu. Trong thời kỳ xã hội chủ nghĩa, kinh tế Tiệp Khắc tương đối phát triển và gắn bó chặt chẽ với Liên Xô. Nhưng đến năm 1991, chế độ xã hội chủ nghĩa tại Liên Xô và Đông Âu sụp đổ đã khiến cho nền kinh tế Séc mất đi nhiều thị trường lớn ở phía đông và rơi vào khủng hoảng.
Cuộc Cách mạng Nhung lụa diễn ra vào năm 1989 đã tạo điều kiện cho sự thay đổi căn bản toàn bộ nền kinh tế Séc. Tháng 1 năm 1991, "liệu pháp sốc" đã mang đến những thay đổi rất lớn: 95% các mặt hàng không còn chịu kiểm soát giá cả của nhà nước, lạm phát hạ xuống dưới 10%, tỉ lệ thất nghiệp thấp, thâm hụt ngân sách và nợ nước ngoài giảm đáng kể và đáng chú ý nhất là sự chuyển đổi trọng tâm hợp tác kinh tế từ Đông sang Tây. Cộng hòa Liên bang Đức, Hà Lan và Mỹ trở thành những nhà đầu tư lớn nhất tại Cộng hòa Séc. Sự chuyển đổi đó cũng yêu cầu những cải cách mạnh mẽ về luật pháp và hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho đầu tư và phát triển. Ngân hàng và bưu chính viễn thông được quan tâm đẩy mạnh. Về tài chính, từ năm 1995, tỉ giá hối đoái giữa đồng koruna của Cộng hòa Séc và đôla Mỹ đã được thiết lập một cách ổn định. Sự tư nhân hóa ồ ạt nền kinh tế cũng diễn ra với tốc độ chóng mặt: năm 1998, đã có đến hơn 80% xí nghiệp thuộc sở hữu tư nhân.
Cuộc khủng hoảng chính trị và tài chính 1997 đã tác động mạnh đến nền kinh tế Séc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 1997 hạ xuống còn 0,3%, năm 1998 là -2,3% và năm 1999 là -0,5%. Nguyên nhân là do sự thực hiện "liệu pháp sốc" một cách vội vã và không vững chắc. Chính phủ Cộng hòa Séc đã phải xem xét lại các chính sách kinh tế của mình và điều chỉnh lại sao cho thích hợp hơn như tăng tốc việc hội nhập với các tiêu chuẩn kinh tế của EU, tái cơ cấu các doanh nghiệp, tiến hành tư nhân hóa với các ngân hàng và các ngành dịch vụ công cộng. Bắt đầu từ năm 2000, tốc độ tăng trưởng của nước này dần dần hồi phục. Xuất khẩu vào thị trường EU, đặc biệt là Đức tăng mạnh đã làm giảm thâm hụt thương mại của nước này xuống còn 5% GDP. Năm 2004, Cộng hòa Séc chính thức trở thành một thành viên của Liên minh Châu Âu, đòi hỏi nước này phải thúc đẩy quá trình cải cách kinh tế hơn nữa.
Những năm gần đây, Cộng hòa Séc đang trở thành một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh tại khu vực Đông Âu. Theo số liệu của Quỹ tiền tệ Quốc tế, năm 2006, GDP danh nghĩa của Cộng hòa Séc là 141,8 tỷ USD (GDP theo sức mua tương đương: 236,5 tỷ USD), thu nhập bình quân đầu người đạt 13.848 USD[12], cao hơn so với nhiều nước Đông Âu khác như Ba Lan, Hungary, Slovakia tuy nhiên vẫn còn thấp hơn mức trung bình của Liên minh Châu Âu. Nền kinh tế nước này được đánh giá là tăng trưởng nhanh và ổn định. Năm 2007, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này đạt 5,7%[13]. Cộng hòa Séc là thành viên của nhiều tổ chức kinh tế lớn như Liên minh Châu Âu, WTO và OECD.
[sửa] Các ngành kinh tế
Nông nghiệp của Cộng hòa Séc không có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Các loại cây trồng chủ yếu của nước này là lúa mì, khoai tây, củ cải đường, cây hublông... Trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp chỉ chiếm 3,4% GDP của Cộng hòa Séc.
Vốn là một nước có sẵn những cơ sở công nghiệp từ thế kỉ 19, nền công nghiệp của Cộng hòa Séc có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển. Các ngành công nghiệp chính của nước này là luyện kim, sản xuất máy móc, thiết bị điện tử, phương tiện giao thông, dệt may, chất hóa học, dược phẩm, chế biến lương thực thực phẩm... Bên cạnh đó, Cộng hòa Séc rất nổi tiếng với ngành công nghiệp sản xuất đồ gốm sứ và pha lê. Công nghiệp chiếm tỉ trọng 39,3% trong nền kinh tế.
Dịch vụ là lĩnh vực đóng góp nhiều nhất trong nền kinh tế, chiếm 57,3% GDP. Các ngành ngân hàng, công nghệ thông tin, viễn thông là những động lực năng động của nền kinh tế Séc và thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài. Thương mại là một hoạt động kinh tế quan trọng với các đối tác thương mại chủ yếu là Cộng hòa Liên bang Đức, Slovakia, Áo, Ba Lan... Du lịch cũng là một thế mạnh của Cộng hòa Séc. Năm 2001, doanh thu từ du lịch mang về cho nước này khoảng 118 tỉ koruna, đóng góp tới 5,5% GNP của nước này. Thủ đô Praha thường là lựa chọn hàng đầu của du khách với rất nhiều các công trình văn hóa, lịch sử nổi tiếng. Những khu du lịch spa nổi tiếng như Karlovy Vary thường là điểm đến được yêu thích vào các kỳ nghỉ. Những lễ hội âm nhạc hay bia của Cộng hòa Séc cũng góp phần làm đất nước này trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn.
[sửa] Tiền tệ
Đồng tiền chính thức hiện nay của Cộng hòa Séc là đồng koruna. Trong tiếng Séc, từ koruna có nghĩa là "vương miện". Đồng tiền này chính thức được sử dụng từ ngày 18 tháng 2 năm 1993 sau khi Cộng hòa Séc và Slovakia tách khỏi Tiệp Khắc. Ký hiệu trong giao dịch quốc tế của đồng koruna Séc theo ISO 4217 là CZK.
Đồng tiền koruna của Cộng hòa Séc bắt đầu tham gia các tỉ giá hối đoái từ năm 1995 và được thả nổi kể từ năm 1999. Trong năm 2007, chỉ số lạm phát của đồng tiền này là 2,4% và đã được duy trì ổn định trong suốt nhiều năm qua. Cộng hòa Séc có kế hoạch gia nhập khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (euro) vào năm 2012 nhưng sau đó đã tuyên bố hoãn lại. Đầu năm 2008, Ngân hàng Quốc gia Séc tuyên bố sẽ lùi thời hạn gia nhập khu vực đồng tiền chung đến năm 2019[14].
[sửa] Cơ sơ hạ tầng
- Năng lượng: Cộng hòa Séc nhìn chung là một nước nghèo tài nguyên về năng lượng, ngoại trừ một ít dầu mỏ và khí gas ở miền nam Moravia. Hiện nay nước này đang hạn chế dần việc sử dụng than làm chất đốt vì vì sản sinh ra nhiều khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường. Năng lượng nguyên tử chiếm 30% tổng nhu cầu năng lượng hiện nay ở Cộng hòa Séc, và dự kiến có thể tăng lên 40% trong những năm tới. Khí gas tự nhiên được nhập khẩu từ nước ngoài và là một khoản chi tiêu lớn của Cộng hòa Séc. Gas được nhập từ tập đoàn Gazprom của Nga qua các đường ống trung chuyển ở Ukraina và nhập từ các công ty của Na Uy, được vận chuyển qua Đức. Sản lượng điện năm 2005 đạt 77,38 tỷ Kwh và ngoài đáp ứng tiêu thụ trong nước, Cộng hòa Séc xuất khẩu gần 25 tỷ Kwh điện năng.
- Giao thông: là trái tim của châu Âu nên Cộng hòa Séc có mạng lưới giao thông dày đặc và khá phát triển. Đường sắt có tổng chiều dài 16.053 km (năm 2005) và mật độ đường sắt cao nhất trong Liên minh châu Âu: 120 km trên 1.000 km vuông[15]. Hàng năm đường sắt nước này chuyên chở khoảng 178 triệu hành khách và 100 triệu mét khối hàng hóa. Công ty "Đường sắt Séc" chiếm 99% tổng hành khách vận chuyển bằng đường sắt. Đường bộ của Cộng hòa Séc có trên 6.174 km đường quốc lộ cao tốc hạng nhất (không giới hạn tốc độ) nối thủ đô và các thành phố chính như Brno, Plzen, Pripram... và hòa vào hệ thống đường cao tốc châu Âu tạo thành xương sống của hệ thống đường bộ nước này[16]. Đường bộ cấp thấp hơn có tổng chiều dài 48.778 km[17]. Về đường hàng không, Cộng hòa Séc có khoảng 60 sân bay công cộng trong đó lớn nhất là Sân bay quốc tế Pragua hàng năm đón khoảng 11 triệu lượt khách[18]. Hãng hàng không quốc gia là Czech Airlines có đường bay đến những thành phố lớn ở châu Âu, Bắc Mỹ, Châu Á, Trung Đông và Bắc Phi. Đường sông chủ yếu tập trung ở ba con sông chính là Labe, Vltava và Berounka với tổng chiều dài khoảng 300 km. Vận tải thủy chiếm từ 2 đến 5% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và có vai trò quan trọng trong thương mại với Đức, Bỉ và Hà lan, ngoài ra nó cũng phục vụ cho du lịch.[19] Giao thông công cộng ở các thành phố lớn cũng khá thuận tiện với các phương tiện chủ yếu là xe bus, tàu điện, ngoài ra thủ đô Prague bắt đầu có tàu điện ngầm từ ngày 9 tháng 5 năm 1974, chiều dài đường tàu điện ngầm khoảng 54km.[20]
- Thông tin và truyền thông: Cộng hòa Séc có trên 3,2 triệu thuê bao cố định (2005) và trên 12 triệu thuê bao di động (2006). Số người sử dụng điện thoại di động tăng mạnh từ giữa thập niên 1990 và đến nay đạt 120 thuê bao trên 100 người. Hệ thống thông tin nội địa đã được nâng cấp thiết bị ADSL để tạo điều kiện thuận lợi cho sử dụng Internet và 93% dung lượng trao đổi dưới dạng kỹ thuật số. Để phục vụ viễn thông quốc tế, Cộng hòa Séc có 6 vệ tinh: 2 Intersputnik, 1 Intelsat, 1 Eutelsat, 1 Inmarsat và 1 Globalstar[21]. Cộng hòa Séc có 4 đài truyền hình ở phạm vi toàn quốc và trên 20 đài khu vực trong đó Czech Television, TV Nova và Prima TV là những hãng lớn nhất. Cộng hòa Séc là nước Đông Âu đầu tiên cho phép tư nhân phát sóng truyền hình năm 1994[22]. Nước này cũng có 7 đài phát thanh toàn quốc, 76 đài phát thanh địa phương. Internet khá phát triển với những nhà cung cấp dịch vụ chính là Seznam, Centrum, Atlas, iDnes, Volny và Tiscali.
[sửa] Văn hóa
[sửa] Văn học
Văn học Séc bắt nguồn từ thế kỉ 8 sau công nguyên dưới thời Đại Moravia. Hai anh em Cyril và Methodius đã được vương triều Byzantine cử tới Đại Moravia để truyền bá Đạo Thiên chúa, đồng thời sáng lập ra ngôn ngữ viết Slav đầu tiên: tiếng Slavonic cổ viết trên bảng chữ cái Glogotic, tiền thân của bảng ký tự Cyril sau này.
Sau khi Đại Moravia sụp đổ và được thay thế bởi vương triều Bohemia vào thế kỉ 9, tiếng Latin đã dần lấn lướt tiếng Slavonic cổ để trở thành ngôn ngữ chính thức trong nền văn học Séc. Bên cạnh đó, tiếng Đức cũng trở thành một ngôn ngữ có tầm ảnh hưởng lớn tại vùng đất này cho đến tận cuối thế kỉ 19. Vào thế kỉ 13, dưới triều đại Premyslid của Bohemia, nền văn học Séc đã có những thay đổi đáng chú ý. Những nhà thống trị ở Bohemia bắt đầu tách họ ra khỏi nền văn học Tây Âu lúc đó nói chung và cố gắng xây dựng một nền văn học dân tộc riêng của người Séc. Thời kỳ này văn học Séc được chia làm hai thể loại chính là huyền thoại và sử thi về các anh hùng. Văn xuôi cũng bắt đầu xuất hiện trong thời gian này. Hai tác phẩm đáng chú ý xuất hiện trong giai đoạn này là cuốn từ điển Séc-Latin và bộ sử biên niên đầu tiên viết bằng tiếng Séc: sử biên niên Dalimil.
Trong thời kỳ chiến tranh tôn giáo Hussite, văn học còn được dùng tranh luận và đả kích giữa các nhóm tôn giáo với nhau. Sự phân hóa rõ rệt thể hiện trên phương diện ngôn ngữ: tiếng Latin được dùng bởi những người theo đạo Thiên chúa, còn tiếng Séc được dùng bởi những người theo đạo Tin lành. Trận Núi Trắng năm 1620 với thất bại của những người Tin lành đã khiến nền văn học viết bằng tiếng Séc bị ảnh hưởng. Những chính sách đồng hóa dưới thời Đế chế Áo và Đế chế Áo-Hung càng làm cho tiếng Séc có nguy cơ biến mất. Tuy nhiên Thời kỳ Khai sáng trong Đế chế Áo-Hung đã lại tạo điều kiện cho tiếng Séc có cơ hội phát triển, cùng với đó là cả một nền văn học Séc mới. Từ đó đến nay, nền văn học Séc đã trải qua nhiều thăng trầm, biến động và sản sinh ra những tác gia lớn. Franz Kafka, nhà văn gốc Do Thái nổi tiếng của Cộng hòa Séc với những tác phẩm viết bằng tiếng Đức, ông được coi là người khơi nguồn cho văn học phi lý ở châu Âu[23]. Năm 1984, Jaroslav Seifert đã trở thành công dân Cộng hòa Séc đầu tiên (lúc đó là Tiệp Khắc) đoạt giải thưởng Nobel về Văn học.
[sửa] Âm nhạc
Tại Cộng hòa Séc, giao hưởng và nhạc kịch có một sư liên hệ mật thiết với các vũ khúc dân gian truyền thống của Bohemia và Moravia. Một trong những thể loại nhạc độc đáo và đặc trưng nhất của xứ Bohemia là Polka, một loại nhạc nhảy có tiết tấu nhanh và vui nhộn được hình thành vào giữa thế kỉ 19. Nhạc Polka (tiếng Séc có nghĩa là "cô gái Ba Lan") đã nhanh chóng trở nên thịnh hành không chỉ ở châu Âu mà còn trên khắp thế giới, đồng thời nó cũng trở thành chất liệu để viết giao hưởng của hai nhạc sĩ nổi tiếng người Áo là Johann Strauss I và Johann Strauss II. Nhạc dân gian Moravia được chơi với nhiều loại nhạc cụ như đại hồ cầm, kèn clarinet và violong. Nhạc Moravia thường biểu hiện những ảnh hưởng từ nước ngoài, đặc biệt là từ Romania và Ba Lan.
Ngày nay, các hình thức âm nhạc hiện đại như pop, rock and roll đang ngày càng trở nên phổ biến. Các bài hát nổi tiếng trong tiếng Anh nhiều khi được người Séc đặt lại lời theo tiếng Séc và kết hợp với một vài phong cách truyền thống của họ.
[sửa] Lễ hội
Cộng hóa Séc có hai ngày quốc khánh (tức ngày độc lập). Ngày 1 tháng 1 năm 1993 là ngày Cộng hòa Séc tách ra từ Liên bang Tiệp Khắc để trở thành một quốc gia độc lập. Còn ngày quốc khánh thứ hai là 28 tháng 10 năm 1918, ngày mà nhân dân hai nước Séc và Slovakia cùng nhau thành lập Liên bang Tiệp Khắc sau sự sụp đổ của Đế chế Áo-Hung.
Giống với nhiều quốc gia châu Âu khác, Cộng hòa Séc cũng tổ chức những ngày lễ quan trọng của đạo Cơ đốc như Lễ Phục sinh, Lễ Giáng sinh. Vào đêm Giáng sinh 24 tháng 12, tất cả các thành phố lớn của Cộng hòa Séc đều được trang hoàng lộng lẫy. Ngày tiếp theo là ngày Giáng sinh 25 tháng 12. Tiếp đó ngày 26 tháng 12 được gọi là ngày Thánh Stephan, được coi như ngày Giáng sinh thứ hai của Cộng hòa Séc.
Bên cạnh đó, Cộng hòa Séc còn là điểm đến của nhiều lễ hội văn hóa quốc tế. Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Praha được tổ chức vào mùa xuân hàng năm thu hút rất nhiều các dàn nhạc giao hưởng từ khắp nơi trên thế giới. Bên cạnh đó còn có Liên hoan Phim Quốc tế được tổ chức tại thành phố Karlovy Vary hay các lễ hội bia được tổ chức tại nhiều miền khác nhau của đất nước này.
Ngày | Ngày lễ | Tên tiếng Séc | Chú thích |
---|---|---|---|
1 tháng 1 | Ngày Quốc khánh của Cộng hòa Séc; Năm mới | Den obnovy samostatného českého státu; Nový rok | Ngày Quốc khánh của Cộng hòa Séc vào năm 1993, Séc tái độc lập sau khi Tiệp Khắc tan rã |
Tháng 3, tháng 4 | Lễ Phục sinh | Velikonoční pondělí | Lễ Phục sinh được tổ chức trong 2 ngày (chủ nhật và thứ hai) tại Cộng hòa Séc |
1 tháng 5 | Ngày Quốc tế Lao động | Svátek práce | |
5 tháng 7 | Ngày Thánh Cyril và Methodius | Den slovanských věrozvěstů Cyrila a Metoděje | Năm 863, hai nhà truyền giáo Cyril và Methodius đã đến và truyền bá đạo Thiên chúa vào Đại Moravia |
6 tháng 6 | Ngày Jan Hus | Den upálení mistra Jana Husa | Nhà cải cách tôn giáo Jan Hus bị hỏa thiêu trên giàn lửa năm 1415 |
28 tháng 9 | Ngày Thánh Wenceslas | Den české státnosti | Năm 935, Thánh Wenceslas, người được tôn là vị thánh bảo trợ của Séc bị giết hại |
28 tháng 10 | Ngày Quốc khánh của Tiệp Khắc | Den vzniku samostatného československého státu | Thành lập Tiệp Khắc năm 1918 |
17 tháng 11 | Ngày Đấu tranh giành tự do, dân chủ | Den boje za svobodu a demokracii | Cuộc tuần hành của học sinh chống phát xít Đức năm 1939 và cuộc tuần hành năm 1989 khởi đầu Cách mạng Nhung lụa |
24 tháng 12 | Đêm Giáng sinh | Štědrý den | |
25 tháng 12 | Ngày Giáng sinh | svátek vánoční | |
26 tháng 12 | Ngày Thánh Stephen | svátek vánoční | Ngày Giáng sinh thứ hai của Cộng hòa Séc |
[sửa] Ẩm thực
Ẩm thực Cộng hòa Séc có ảnh hưởng lớn đến các nền ẩm thực tại khu vực Trung Âu và bản thân nó cũng chịu ảnh hưởng của các nền ẩm thực khác. Nhiều món ăn phổ biến trong khu vực có nguồn gốc và xuất xứ từ đất nước này. Đa phần các món ăn chính của Cộng hòa Séc đều có thịt, gồm thịt lợn, thịt bò và thịt gà. Do không phải một quốc gia giáp biển nên cá là một món ăn hiếm gặp tại nước này, chủ yếu được dùng nhiều vào dịp Giáng sinh.
Thịt nướng với bánh bao và dưa cải muối (tiếng Séc: vepřo-knedlo-zelo) được coi là một trong những món ăn phổ biến nhất của Cộng hòa Séc. Dưa cải muối trong món ăn này có hai cách chế biến khác nhau. Nó được chế biến chua hơn tại Bohemia và ngọt hơn tại Moravia. Thịt bò ướp (svíčková na smetaně) cũng là một món ăn thịt khá phổ biến. Món ăn này gồm những miếng thịt bò nướng chấm với nước sốt đặc, được kèm theo bởi bánh bao, một thìa mứt quả và một lát chanh.
Một số món ăn nhẹ tiêu biểu cho ẩm thực Séc là món bánh kếp rán (bramboráky) được làm từ hỗn hợp khoai tây, bột mì, sữa kèm theo một số gia vị rồi đem rán. Bên cạnh đó, pho mát cũng là một món ăn được ưa chuộng với nhiều chủng loại đa dạng.
Món bánh bao hoa quả (ovocné knedlíky) được làm từ bột khoai tây nhào trộn với trái cây, sau đó đem luộc và được dùng với bơ, đường và pho mát. Có rất nhiều loại bánh bao hoa quả khác nhau được chế biến cùng nhiều loại trái cây đa dạng như dâu tây, đào, anh đào, mơ, mận... Những món ăn này không chỉ đơn thuần được coi như món tráng miệng mà đôi khi được xem là một món ăn chính trong bữa ăn. Trong dịp lễ Giáng sinh, món bánh vánočka sẽ được làm cùng với rất nhiều bánh quy và kẹo ngọt (vánoční cukroví).
Cộng hòa Séc còn là một quốc gia nổi tiếng về bia. Nghề làm bia tại Cộng hòa Séc đã có lịch sử lâu đời từ hàng trăm năm nay và được làm chủ yếu từ hoa của cây hublông. Một trong những loại bia nổi tiếng nhất nước này là bia Pilsener, được làm tại thành phố Pilsen ở xứ Bohemia.
[sửa] Thể thao
Thể thao là một phần không thể thiếu trong cuộc sống tinh thần của người dân Cộng hòa Séc. Hai môn thể thao phổ biến và giành được nhiều sự hâm mộ nhất tại nước này là bóng đá và hockey trên băng. Bên cạnh đó, các môn thể thao như bóng rổ, bóng chuyền, bóng ném, điền kinh... cũng rất phổ biến.
Hockey trên băng là một môn thế mạnh của Cộng hòa Séc. Nước này đã từng 1 lần đoạt huy chương vàng tại Thế vận hội Mùa đông 1998 và 5 lần vô địch giải hockey trên băng toàn thế giới. Bóng đá cũng là một môn thể thao ưa chuộng tại nước này. Trước kia khi còn nằm trong Liên bang Tiệp Khắc, đội tuyển bóng đá quốc gia Tiệp Khắc đã từng hai lần đoạt ngôi vị á quân thế giới (World Cup). Còn hiện nay, đội tuyển bóng đá quốc gia Cộng hòa Séc đã từng đạt ngôi á quân tại Euro 1996. Nước này cũng có tên trong dach sách 16 đội tuyển tham dự vòng chung kết Euro 2008 sắp tới tại Áo và Thụy Sĩ. Theo bảng xếp hạng các đội tuyển bóng đá quốc gia của FIFA (tháng 1 năm 2008), Cộng hòa Séc xếp thứ 6 thế giới[24].
Bên cạnh đó, Cộng hòa Séc còn được biết đến là quê hương của một số tay vợt nổi tiếng trong môn tennis như Martina Navratilova và Ivan Lendl.
[sửa] Giáo dục
Giáo dục phổ thông ở Cộng hòa Séc kéo dài từ 12 đến 13 năm, giáo dục bậc tiểu học và trung học cơ sở là bắt buộc. Trẻ em đến trường khi 6 tuổi, kết thúc bậc tiểu học năm 11 tuổi và trung học cơ sở lúc 15 tuổi. Sau đó học sinh có thể học tiếp bậc phổ thông trung học 4 năm hoặc học các trường đào tạo nghề 3 năm. Tốt nghiệp phổ thông trung học hoặc đào tạo nghề, học sinh có thể học lên bậc đại học kéo dài 3 năm. Ở bậc trên đại học, đào tạo thạc sỹ mất từ 2 đến 3 năm; đào tạo tiến sỹ là 3 năm[25]. Hệ thống giáo dục cơ sở của nước này gồm trường công, trường tư và trường tôn giáo (thường ít gặp). Năm học tại Cộng hòa Séc bắt đầu từ ngày 1 tháng 9 hoặc ngày thứ hai đầu tiên của tháng 9 (nếu ngày 1 tháng 9 là thứ bảy hoặc chủ nhật) và kết thúc vào ngày 30 tháng 6 năm sau (hoặc ngày thứ sáu cuối cùng của tháng 6). Học sinh được nghỉ trong những dịp lễ như Giáng sinh, Năm mới và Phục sinh.
Cộng hòa Séc từ lâu nổi tiếng là một trong những trung tâm văn hóa, giáo dục quan trọng hàng đầu tại châu Âu. Năm 1348, vua Charles IV (tiếng Séc: Karel IV) đã thành lập trường Đại học Charles nổi tiếng tại Praha (Univerzita Karlova). Ngày nay đây vẫn là trường đại học lớn và dẫn đầu về chất lượng giáo dục tại nước này.
[sửa] Y tế
Cộng hòa Séc chú trọng nâng cao sức khỏe cộng đồng với các chương trình mang tính chất phòng ngừa cũng như tích cực chống lại bệnh ung thư, hút thuốc lá...Người dân được cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe dựa trên cơ sở bảo hiểm y tế, người bệnh không trực tiếp chi trả tiền chữa bệnh. Dịch vụ y tế có thể được cung cấp bởi cả khu vực công cộng và khu vực tư nhân với chi phí nhìn chung thấp hơn mức bình quân của châu Âu[26].
[sửa] Xếp hạng quốc tế
- Xếp thứ 79 trên 221 quốc gia và vùng lãnh thổ về dân số (xem Danh sách các nước theo số dân)
- Xếp hạng 30/177 quốc gia về Chỉ số Phát triển Con người (xem Danh sách các quốc gia theo thứ tự về Chỉ số phát triển con người)
- Xếp thứ 40/180 quốc gia về GDP (xem Danh sách quốc gia theo GDP)
- Xếp thứ 41/182 quốc gia về thu nhập bình quân đầu người (xem Danh sách các quốc gia theo GDP bình quân đầu người)
- Xếp hạng 5/168 quốc gia về chỉ số tự do báo chí (Nhà báo không biên giới)
- Xếp hạng 37/157 quốc gia về chỉ số tự do kinh tế[27]
[sửa] Hình ảnh về Cộng hòa Séc
[sửa] Tham khảo
- ^ https://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/geos/ez.html#People CIA - The World Factbook (truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2007)
- ^ http://www.mofa.gov.vn/vi/cn_vakv/euro/nr040819111809/ns070621141152 Bộ Ngoại giao Việt Nam
- ^ http://europa.eu/abc/european_countries/eu_members/czechrepublic/index_en.htm Cộng hòa Séc - Thành viên Liên minh Châu Âu
- ^ http://news.bbc.co.uk/2/hi/europe/4118461.stm BBC - Cộng hòa Séc bài bỏ nghĩ vụ quân sự bắt buộc
- ^ https://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/geos/ez.html#Military CIA - The World Factbook: Quân đội Séc
- ^ http://prague.tv/articles/visitors-guide/czech-climate Bảng số liệu về khí hậu Cộng hòa Séc
- ^ Czech Statistic Office
- ^ http://www.czso.cz/eng/redakce.nsf/i/population_hd Số liệu về lịch sử dân số Cộng hòa Séc
- ^ http://www.un.org/esa/population/publications/wpp2006/WPP2006_Highlights_rev.pdf Báo cáo dân số 2006 của Liên Hiệp Quốc
- ^ http://vietbao.vn/Nguoi-Viet-bon-phuong/Hoc-sinh-goc-Viet-tai-Czech-noi-tieng-hoc-gioi/10975444/283/ Học sinh gốc Việt tại Séc nổi tiếng học giỏi
- ^ https://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/geos/ez.html#People CIA - The World Factbook - Nhân khẩu Cộng hòa Séc
- ^ Báo cáo của Quỹ tiền tệ Quốc tế năm 2006
- ^ https://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/rankorder/2003rank.html CIA - The World Factbook - Danh sách các nước theo tốc độ tăng trưởng kinh tế
- ^ http://www.praguemonitor.com/en/243/czech_business/16567/
- ^ http://www.czech.cz/en/czech-republic/transport/railway-characteristics/
- ^ http://www.czech.cz/en/czech-republic/transport/road-transport/first-class-roads/
- ^ http://www.czech.cz/en/czech-republic/transport/road-transport/
- ^ http://www.czech.cz/en/czech-republic/transport/air-transport/czech-airports/
- ^ http://www.czech.cz/en/czech-republic/transport/boat-transport/
- ^ http://www.czech.cz/en/czech-republic/transport/public-transport/prague-integrated-transport-system/
- ^ https://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/geos/ez.html#Comm
- ^ http://www.czech.cz/en/czech-republic/media/the-media-market-in-the-czech-republic/
- ^ http://docsach.dec.vn/noidung/3150.dec
- ^ http://www.fifa.com/worldfootball/ranking/lastranking/gender=m/fullranking.html#confederation=0&rank=165 Bảng xếp hạng FIFA (truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2008)
- ^ http://www.iced.edu.vn/chauau_sec.htm
- ^ http://www.czech.cz/en/czech-republic/health-and-health-care/healthcare-system/
- ^ http://www.heritage.org/research/features/index/countries.cfm Chỉ số tự do kinh tế 2008
[sửa] Xem thêm
[sửa] Liên kết ngoài
- Trang mạng của Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Việt Nam
- Giới thiệu Tổng quan về Nền Kinh tế Cộng hoà Séc
- Báo điện tử Cộng đồng Việt Nam tại Cộng hòa Séc
- Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc
- Trang tin Séc
|
|
---|---|
Áo · Ba Lan · Bỉ · Bồ Đào Nha · Bulgaria · Cộng hòa Séc · Đan Mạch · Đức · Estonia · Hà Lan · Hungary · Hy Lạp · Ireland · Kypros (Síp) · Latvia · Litva · Luxembourg · Malta · Phần Lan · Pháp · Romania · Slovakia · Slovenia · Tây Ban Nha · Thụy Điển · Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland · Ý |