Bạch Khởi
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bạch Khởi (? – 257 TCN) là tướng nước Tần trong thời Chiến Quốc, lập nhiều công lao, góp phần lớn chiến tích trong việc thống nhất Trung Quốc của nước Tần, được phong chức Vũ An quân, đại lương tạo. Ông sinh ở miền đông huyện My, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.
Mục lục |
[sửa] Tam Tấn mất vía
Nước Tần nằm cạnh ba nước Hàn, Triệu, Nguỵ vốn tách ra từ nước Tấn nên gọi là Tam Tấn. Trên con đường thống nhất Trung Hoa, nước Tần chủ trương “đánh gần, thân xa”, nghĩa là kết thân với các nước ở xa trước như Yên, Tề và đánh các nước chung biên giới như Tam Tấn và Sở. Nước Sở hùng cường đất rộng chưa dễ đánh chiếm nên mục tiêu đầu tiên của Tần là Tam Tấn.
Trong Tam Tấn, chính quyền và quân đội không phải không đủ mạnh nhưng giữa 3 nước có thế “môi răng” này lại hay có hiềm khích. Sự liên minh giữa các nước này thưòng lỏng lẻo và không bền vững. Vì thế nước Tần thường tận dụng sự mâu thuẫn đó để giành lấy lợi thế.
Năm 294 TCN, Bạch Khởi giữ chức Tả thứ trưởng, đem quân Tần đi đánh nước Hàn, chiếm được Tân Thành. Chiến dịch đó đã thể hiện tài năng quân sự vượt trội của ông, được quan tướng quốc mới nhậm chức là Ngụy Nhiễm rất mến mộ. Năm đó Ngụy Nhiễm tiến cử Bạch Khởi lên vua Tần Chiêu Tương vương, phong làm tướng.
Năm 293 TCN, Bạch Khởi cầm quân đánh nước Hàn ở phía đông, đánh bại liên quân giữa nước Ngụy và nước Hàn ở Y Khuyết (ngọn núi này thuộc vùng tây nam Lạc Dương, tỉnh Hà Nam). Trong trận này, lợi dụng sự nhút nhát của quân đội hai nước đùn đẩy nhau đi tiên phong, Bạch Khởi chủ động đánh vào đạo quân Hàn yếu hơn, kết quả quân Hàn tan rã. Ông thừa thắng truy kích đánh bại cả hai đạo quân của hai nước, chém 24 vạn thủ cấp, làm kinh động cả hai nước Hàn, Nguỵ. Trận Y Khuyết này cũng là một trong những trận đánh lớn thời Chiến Quốc.
Năm 280 TCN, Bạch Khởi chỉ huy binh mã đánh Triệu, quân Triệu đại bại, quân Tần chiếm được thành Quang Lang.
[sửa] Tiến vào Sính Đô
Năm 279 TCN, ông lại dẫn quân xuống phía Nam, đánh bại quân Sở, chiếm đất Yên (nay là Yên Lăng, tỉnh Hà Nam), đất Lăng (nay thuộc vùng Tây Bắc Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc).
Năm 278 TCN, Bạch Khởi được phong là Vũ An quân, trở thành một trong những vị thống soái quân sự chủ yếu trong chiến dịch đem binh sang Quan Đông của Chiêu Tương Vương, tiêu diệt 6 nước.
Năm 278 TCN, Bạch Khởi đi đánh Sở. Ông khai thác nhược điểm của nước Sở như: cậy thế nước lớn, quần thần thì tranh giành kèn cựa với nhau, lòng dân li tán, việc phòng bị lơi lỏng... Bạch Khởi đánh bại quân Sở, tiến quân vào Sính Đô. Vua tôi nước Sở bỏ chạy, phải thiên đô về Thọ Xuân. Bạch Khởi đốt cháy khu lăng mộ các vua Sở từ thời Xuân Thu. Đất ấy sau này chỉ còn phế tích sót lại của các lăng mộ vua Sở nên đổi gọi là Di Lăng.
Năm 277, 276 TCN, ở phía Nam, Bạch Khởi bình định đất Vu, đất Kiềm (nay thuộc miền đất nằm giữa đông Tứ Xuyên, tây Hồ Bắc, tây Hồ Nam và một phần phía Bắc của tỉnh Quý Châu) của nước Sở, đặt là quận Kiềm Trung.
[sửa] Lại uy hiếp Tam Tấn
Cùng năm đó, ông lại tiến quân về phía đông thì tiến đánh Ngụy, chiếm được hai thành trấn.
Năm 273 TCN, nhân Hàn và Nguỵ xung đột, Bạch Khởi lại đem quân đi cứu Hàn, đánh bại quân Ngụy ở dưới chân thành Hoa Dương (nay thuộc phía nam thành phố Trịnh Châu, Hà Nam) đánh đuổi tướng Hàn là Mang Mão, tiêu diệt 13 vạn quân địch.
Sau đó ông lại kịch chiến với đại tướng Triệu là Giả Yển, tiêu diệt 2 vạn binh sĩ Triệu.
Năm 264 TCN, Bạch Khởi đánh Hàn. Quân Hàn bị thua to ở Hình Thành (nay thuộc đông bắc huyện Khúc Nhiêu, tỉnh Sơn Tây) nhổ liền một lúc 9 thành, chém 5 vạn thủ cấp. Năm sau lại tiến công Nam Dương (nay thuộc vùng dọc theo sông ở Tế Nguyên, Tẩm Dương, Hà Nam), mở rộng ảnh hưởng đến tận mạn Nam núi Thái Hàng.
[sửa] Đại thắng Trường Bình
Kể từ năm 262 TCN, nước Tần và các nước ở Quan Đông như Hàn, Triệu thường xuyên xảy ra chiến tranh, trong đó có trận đánh Trường Bình, được coi là nổi tiếng nhất dưới sự chỉ huy của Bạch Khởi.
Tần vốn mang quân đánh Hàn, sắp lấy được Thượng Đảng. Quan trấn thủ Thượng Đảng là Phùng Đình bị vây ngặt, cắt đứt liên lạc với Hàn. Biết thế không thể giữ được, Phùng Đình viết thư sang Triệu, xin mang Thượng Đảng về Triệu. Bất chấp ý kiến can ngăn, vua Triệu bằng lòng nhận Thượng Đảng, sai Bình Nguyên quân Triệu Thắng đến nhận đất, nhưng lại không cử đại binh đi cứu trợ cho Thượng Đảng. Tướng Tần là Vương Hạt vây đánh Thượng Đảng, Phùng Đình cầu cứu nhưng suốt 2 tháng Triệu không cử viện binh sang. Mãi tới khi vua Triệu cử danh tướng Liêm Pha đi cứu thì Vương Hạt đã đánh vỡ Thượng Đảng. Phùng Đình mang dân chạy sang nương nhờ nước Triệu. Liêm Pha đi đến ải Trường Bình mới biết Thượng Đảng bị Tần lấy rồi.
Liêm Pha ra trận hai lần thất lợi, bèn cố thủ không ra nữa. Vương Hạt không đánh nổi ải Trường Bình liền xin viện binh. Vua Tần quyết định cử Bạch Khởi ra mặt trận. Đồng thời, vua Tần lại phao tin rằng quân Tần chỉ sợ tướng Triệu là Triệu Quát chứ không sợ Liêm Pha. Vua Triệu thấy Liêm Pha cầm cự mãi cho là nhát, bèn sai tướng trẻ Triệu Quát ra mặt trận. Triệu Quát cầm hơn 40 vạn quân, chủ quan coi thường Vương Hạt, không ngờ Bạch Khởi đã ra cầm quân ngoài mặt trận.
Bạch Khởi cố ý cho Triệu Quát thắng lợi 1 trận để coi thường quân Tần rồi đặt phục binh đánh tan nát quân Triệu. Sau đó quân Tần lại cắt đường vận lương khiến 40 vạn quân Triệu bị vây khốn, thiếu lương ăn. Quát liều phá vây ra, bị tử trận. Phùng Đình tự sát. Gần như toàn bộ quân Triệu đầu hàng.
[sửa] Tàn sát hàng binh Triệu
Quân Triệu đầu hàng quá đông, Bạch Khởi sợ không kiềm chế được, nên bàn với Vưong Hạt chôn sống hết. Để lừa quân Triệu, ông đem hàng tốt chia làm mười doanh, sai mươi viên tướng thống suất, hợp với hai mươi vạn quân Tần, đều cho trâu rượu, ăn uống và nói rằng ngày mai Võ An quân sẽ lựa chọn quân Triệu, người nào khoẻ mạnh đánh trận được, thì cấp cho khí giới và đem về nước Tần sai dụng, còn người già yếu hay nhát sợ đều cho về Triệu. Quân Triệu mừng rỡ.
Đêm ấy, Bạch Khởi truyền mật lệnh cho mười viên tướng rằng:
- Quân Tần đều dùng vải trắng phủ đầu, nếu đầu không có vải trắng, thì tức là quân Triệu, đều phải giết đi
Quân Tần theo lệnh, cùng ra tay một lúc. Hàng tốt nước Triệu vì không biết có lệnh ấy, lại không có khí giới, nên đều bó tay chịu chết. Bốn mươi vạn quân Triệu trong một đêm đều bị chém chết cả. Bạch Khởi thu nhặt những đầu lâu quân Triệu, chất đống ở trong luỹ Tần, gọi là núi Đầu Lâu.
Tính ra trong trận Trương Bình, trước sau quân Tần hoặc chém hoặc bắt cộng 45 vạn quân Triệu, kể cả những quân Triệu đầu hàng Vương Hạt trước, đều bị giết sạch cả, chỉ còn 240 người ít tuổi được thả về Hàm Đan để tuyên dương cái oai của nước Tần.
Vụ chôn sống quân Triệu là một trong những vụ thảm sát lớn nhất thời cổ đại của lịch sử Trung Quốc.
[sửa] Bị lỡ thời cơ
Năm 260 TCN, thừa thắng ở Trường Bình, Bạch Khởi chia quân làm ba hướng, một cánh do Vương Linh chỉ huy đi về hướng đông,vượt qua dãy núi Thái Hàng tiến đánh Vũ An (nay là vùng Tây Nam, Vũ An, Hà Bắc) áp sát kinh đô Hàm Đan của nước Triệu, một cánh do Tư Mã Ngạnh chỉ huy tiến về phía bắc để bình định quân Thái Nguyên, một cánh do Bạch Khởi đích thân chỉ huy, đóng giữ Thượng Đảng, chờ thời cơ tiến vây kinh thành Hàm Đan, tạo ra thế chiến lược uy hiếp nước Triệu từ hướng Tây sang hướng Đông để tiêu diệt nước Triệu.
Tuy nhiên trong tình thế như vậy, Bạch Khởi lại bị sự ghen tỵ của thừa tướng Ứng hầu Phạm Thư. Vốn nước Triệu bị kinh động vì tổn thất trong trận Trường Bình, cùng đường nhờ Tô Đại (em Tô Tần) làm thuyết khách sang nước Tần xúi giục Phạm Thư. Nghe lời Tô Đại, Thư sợ công lao của Bạch Khởi quá lớn sẽ lấn át mình, nên lại xui vua Tần chấp nhận lui quân giảng hòa với điều kiện nước Triệu dâng hiến sáu thành. Triệu Vương tranh thủ dịp này chỉnh đốn lại binh mã, củng cố quốc phòng.
[sửa] Chết vì lời gièm
Bạch Khởi nhận lệnh lui quân về nước, tiếc công lao của mình và tướng sĩ phải bỏ dở, hỏi ra mới biết là ý đồ của Phạm Thư. Từ đó giữa ông và Phạm Thư có hiềm khích. Bạch Khởi nói với mọi người rằng:
- Từ trận thua ở Trường Bình, trong thành Hàm Đan, một đêm mười lần sợ; nêu thừa thắng tiến đánh, thì không đầy một tháng có thể lấy được. Tiếc thay Ứng hầu[1] không biết thời thế, chủ trương việc rút quân về, làm mất cơ hội ấy!
Vua Tần nghe ý kiến của ông lại hối tiếc, bèn lại dùng ông làm tướng, muốn sai đánh Triệu, nhưng gặp lúc ông có bệnh không đi được, bèn sai đại tướng Vương Lăng đem mười vạn quân đánh Triệu, vây thành Hàm Đan.
Vua Triệu sai Liêm Pha cự địch. Liêm Pha đặt quân phòng ngự rất nghiêm, lại đem gia tài mộ quân quyết tử, thường thường ban đêm cho trèo vào thành, đánh phá dinh Tần. Quân của Vương Lăng bị thua to.
Bấy giờ Vũ An quân Bạch Khởi bệnh đã khỏi, vua Tần muốn sai ra thay Vương Lăng. Vũ An quân tâu rằng:
- Thật ra thành Hàm Đan không phải dễ đánh đâu! Trước kia, sau khi đại bại, trăm họ sợ hãi không yên, nếu nhân đó mà đánh, thì họ giữ không được vững, đánh không đủ sức, ta có thể đánh lấy ngay được. Nay đã hơn hai năm rồi, vết thương đã hàn, họ lại được Liêm Pha là tay lão tướng, không như Triệu Quát. Chư hầu thấy Tần đang hoà với Triệu mà lại đánh, thì cho Tần là không thể tin được, tất sẽ hợp tung mà đến cứu. Tôi chắc là Tần không thể được vậy!
Vua Tần ép nài mãi, nhưng Bạch Khởi cố từ. Vua Tần lại sai Phạm Thư đến khuyên bảo, Bạch Khởi căm giận Phạm Thư trước kia ngăn trở sự thành công của mình, bèn xưng bệnh không tiếp. Phạm Thư bèn gièm với vua Tần rằng ông muốn chống lệnh không đi. Vua Tần lại sai Vương Hạt thay Vương Lăng đi đánh nhưng suốt mấy tháng cũng không hạ nổi Hàm Đan.
Phạm Thư nhân thể tâu với Tần Chiêu Tương vương, thế nào cũng phải cử Vũ An quân làm tướng. Vũ An quân lại xưng ốm nặng. Vua Tần cả giận, thu hết chức tước và phong ấp của ông, giáng xuống làm lính, đày ra Âm Mật, bắt phải lập tức ra khỏi thành Hàm Dương. Ông than rằng:
- Phạm Lãi có nói : “Con thỏ khôn đã chết, con chó săn tất bị mổ” Ta vì Tần đánh hạ được hơn bảy mươi thành của chư hầu, cái thế tất phải bị mổ.
Rồi ông đi ra cửa tây Hàm Dương, đến Đỗ Bưu tạm nghỉ để đợi hành lý. Phạm Thư lại nói với vua Tần rằng:
- Bạch Khởi ra đi, trong lòng tấm tức không phục, thốt ra nhiều lời oán giận, nói có bệnh, không phải là thật, sợ rằng sẽ đi sang nước khác để làm hại Tần!
Vua Tần bèn sai sứ đưa cho Bạch Khởi một thanh gươm sắc, bắt phải tự tử. Bạch Khởi tự đâm cổ chết. Người nước Tần nghĩ Bạch Khởi không có tội mà phải chết, đều đem lòng thương, lập đền thờ.
Vua Tần sau đó tiếp tục thêm quân đánh Triệu nhưng nước Triệu vẫn đứng vững, đúng như dự liệu của Bạch Khởi.
[sửa] Công trạng
Bạch Khởi xông pha trận mạc suốt 37 năm, hầu như đánh đâu thắng đó, trước sau đánh phá 4 nước chư hầu, chém đầu gần 100 vạn quân địch, hạ hơn 70 thành, làm suy yếu hoàn toàn Tam Tấn và khiến nước Sở từ chỗ ngang hàng với Tần bị đặt vào thế yếu hơn, luôn phải ở tư thế phòng ngự. Chiến công của Bạch Khởi đã khởi đầu cho việc thôn tính hoàn toàn 6 nước chư hầu của nước Tần, đi đến thống nhất Trung Hoa. Bạch Khởi được các sử gia Trung Quốc đánh giá là một trong những tướng lĩnh xuất sắc nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Tương truyền về sau vào khoảng cuối đời nhà Đường, sấm sét đánh chết một con trâu, dưới bụng trâu có hai chữ “Bạch Khởi”. Người ta nói Bạch Khởi vì giết người nhiều quá, nên mấy trăm năm sau vẫn còn phải chịu cái quả báo làm kiếp trâu bị sét đánh.
[sửa] Chú thích
- ^ Tức Phạm Thư
[sửa] Xem thêm
[sửa] Tham khảo
- Mười đại tướng trong lịch sử Trung Quốc