Schutzstaffel
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Schutzstaffel | |
---|---|
Hoạt động | 1923–1945 |
Quốc gia | Đức Quốc Xã |
Phân loại | Bán quân sự |
Quy mô | 38 Sư đoàn |
Tướng chỉ huy | |
Chỉ huy nổi tiếng |
Julius Schreck (1925–1926) Joseph Berchtold (1926–1927) |
Schutzstaffel (gọi tắt SS, có nghĩa "đội bảo vệ") là tổ chức quân sự của Đảng Đức Quốc xã, mặc đồng phục màu đen nên còn được gọi là "Quân áo đen" để phân biệt với lực lượng SA là "Quân áo nâu". SS khởi đầu là đội cận vệ cho cấp lãnh đạo Quốc xã, chỉ khi được đặt dưới quyền chỉ huy của Heinrich Himmler năm 1929 mới lớn mạnh, có hệ thống quân hàm tương tự như trong quân đội Đức nhưng với tên gọi khác, có đồng phục và quân phù riêng.
Mục lục |
[sửa] Cơ cấu tổ chức
Tổ chức của SS trải qua nhiều thay đổi trong từng thời kỳ. Trong giai đoạn Thế chiến II (1939-1945), SS được cho là "nhà nước trong một nhà nước," có cơ cấu như sau:
- Thủ lĩnh: Heinrich Himmler (1929–1945), Karl Hanke (1945).
- Thủ lĩnh SS và Cảnh sát: chỉ huy những đơn vị SS khác nhau trên một vùng rộng, tương tự như Xứ ủy của Đảng Quốc xã.
- Tổng hành dinh SS: được chia ra thành 12 cơ quan điều hành mọi hoạt động của SS, như Cơ quan Trung ương An ninh Đế chế (RSHA), Cục Kinh tế và Hành chính (WVHA) dưới quyền của Cục Kinh tế và Hành chính.
- Thủ lĩnh Danh dự SS: phong cho cấp lãnh đạo chính quyền, như Bormann, Henlein, Ribbentrop, Weizsäcker...
Theo chiều ngang, SS được chia ra thành từng bộ phận chuyên biệt, như:
- SS Tổng quát (Allgemeine SS).
- SS Kỵ binh (Reiter-SS).
- Liên minh Đầu lâu (Totenkopfverbände, gọi tắt SS-TV), ban đầu gồm những đơn vị cấp trung đoàn phụ trách các trại tập trung, đến năm 1944 gồm có 3 sư đoàn, các trại tập trung được giao lại cho WVHA.
- Đội Đặc nhiệm (Einsatzgruppen), gồm 4 đội A, B, C và D.
- SS Vũ trang (Waffen-SS): do Heinrich Himmler làm tư lệnh.
- Cảnh sát Trật tự (Ordnungspolizei, gọi tắt Orpo): quy tụ cảnh sát các cấp trung ương và địa phương, Cảnh sát Đường sắt, Cảnh sát Đường thủy, bảo vệ tại các cơ quan...
[sửa] Vài cơ quan chính yếu thuộc SS
[sửa] Gestapo
Gestapo là tên gọi tắt của Geheime Staatspolizei, là lực lượng cảnh sát bí mật (hoặc Mật vụ).
Tổ chức này khởi đầu được Hermann Göring với tư cách Thống đốc Bang Phổ thành lập vào năm 1933 cho Bang Phổ, là công cụ mà ông sử dụng để giam cầm và sát hại những đối thủ của chế độ Quốc xã. Khi Göring bổ nhiệm Heinrich Himmler làm chỉ huy phó Gestapo Phổ, lực lượng này bắt đầu mở rộng thành một nhánh của SS rồi nắm quyền sinh sát trên toàn nước Đức.
Nhiệm vụ chính của Gestapo là tình báo an ninh, nhưng cũng đảm trách thêm việc thành lập và điều hành trại tập trung. Đặc biệt, Gestapo phụ trách những nhân vật có tiếng tăm trong và ngoài nước như tướng lĩnh, cựu thủ tướng, cựu bộ trưởng... Gestapo thường thi hành nhiệm vụ theo dõi, giam giữ, tra tấn và – khi có lệnh của chính Hitler hoặc Himmler – thủ tiêu những người này.
Các chỉ huy trưởng của Gestapo là Rudolf Diels (1933-1934), Hermann Göring (1934-1936), Reinhard Heydrich (1936-1939) và Heinrich Müller (1939-1945).
[sửa] Sicherheitsdienst
Sicherheitsdienst (có nghĩa “Cơ quan An ninh”), gọi tắt SD, là cơ quan tình báo của SS, được thành lập năm 1931 dưới quyền Heydrich, sau 1939 thuộc cơ quan RSHA, từ năm 1944 nắm luôn Quân báo. Chức năng của SD là rình rập đảng viên và báo cáo hành động khả nghi. Năm 1938, một luật mới giao nhiệm vụ cho SD bao trùm cả Đế chế thứ Ba.
Dưới bàn tay lão luyện của Heydrich, cựu sĩ quan quân báo trong Hải quân, chẳng bao lâu SD giăng lưới hoạt động toàn quốc, sử dụng 100.000 người làm mật báo viên bán thời gian. Những người này nhận chỉ thị theo dõi dân chúng và báo cáo bất cứ biểu hiện lớn nhỏ cho thấy sự chống đối chế độ. Không một ai – nếu không phải là điên rồ – nói và làm điều gì có thể bị ghép là “chống Quốc xã” mà không kiểm tra trước liệu lời nói có bị thu âm lén hoặc bị nghe trộm hay không. Người dân không biết được liệu con trai, hoặc người cha, người vợ, anh em họ, bạn thân, người chủ hoặc thư ký là mật báo viên cho SD hay không, và tốt hơn là không nên tin ai cả.
[sửa] Waffen-SS
Waffen-SS (SS vũ trang) được phát triển như đội quân thứ hai bên cạnh quân chính quy, gồm 40 sư đoàn tác chiến gồm 800-950 nghìn người (các nguồn khác nhau cho con số khác nhau, có lẽ vì thời điểm khác nhau). Tòa án Nürnberg ghi là lúc chiến tranh kết thúc, Waffen-SS còn 580.000 quân. Tư lệnh của Waffen-SS là Himmler.
Waffen-SS quy tụ những binh sĩ thiện chiến nhưng cuồng tín chủ nghĩa Quốc xã. Vì lý do này, họ bị hoen ố thanh danh do việc sát hại tù binh Đồng minh. Ví dụ, 77 lính Mỹ bị bắt làm tù binh đã bị 74 lính SS thuộc Sư đoàn Cận vệ 1 Tăng SS dưới quyền Đại tá Jochen Peiper hành quyết gần Malmédy ngày 17 tháng 12 năm 1944. Dựa trên chứng cứ được trình trước Tòa án Nürnberg, 43 sĩ quan SS (trong đó có Peiper) bị tử hình, 22 bị án tù chung thân và 8 chịu án tù từ 10 năm đến 20 năm. Tư lệnh Tập đoàn quân 6 Tăng SS Sepp Dietrich nhận án chung thân, sau giảm còn 25 năm tù, Tư lệnh Quân đoàn 1 Tăng SS Fritz Kraemer chịu 10 năm tù. Thế rồi Thượng viện Mỹ lớn tiếng phản đối, cho rằng các sĩ quan Waffen-SS đã bị đối xử tàn bạo để chịu cung khai. Các án tử hình lần lượt được giảm thành án tù, rồi cuối cùng tất cả đều được trả tự do. Trong sự ồn ào về việc đối xử tệ hại với sĩ quan Đức, người ta đã quên đi sự kiện là 77 tù binh Mỹ không có vũ khí trong tay bị hành quyết một cách dã man trên một cánh đồng phủ tuyết do lệnh hoặc khuyến khích của vài sĩ quan Waffen-SS.
[sửa] RSHA
RSHA (Reichssicherheitshauptamt – “Cơ quan Trung ương An ninh Đế chế”), được thành lập năm 1939 bằng cách sáp nhập các bộ phận: SD, Mật vụ và Cảnh sát Hình sự. Chức năng chính thức là chiến đấu chống "các kẻ thù của Đế chế" kể cả cộng sản, người Do Thái và những “thành phần chủng tộc bất hảo." Giám đốc đầu tiên của RSHA là Reinhard Heydrich (1939-1942), kế tiếp là Ernst Kaltenbrunner (1942-1945).
RSHA được chia ra thành 7 phòng (Ämter hoặc Amt):
Amt I: Nhân viên và Tổ chức, dưới quyền SS Trung tướng Bruno Streckenbach.
Amt II: Hành chính, Luật và Tài chính, dưới quyền SS Đại tá TS. Hans Nockemann.
Amt III: Tình báo nội bộ, cũng phụ trách người gốc Đức ở vùng biên giới và các vấn đề văn hóa, dưới quyền Otto Ohlendorf.
Amt IV: Gestapo (Mật vụ), dưới quyền Heinrich Müller. Trung tá SS Adolf Eichmann đứng đầu Ban Người Do Thái của Amt IV.
Amt V: Cảnh sát Hình sự phụ trách tội trạng không thuộc lĩnh vực chính trị, dưới quyền Arthur Nebe.
Amt VI: Tình báo hải ngoại, dưới quyền Heinz Jost, kế tiếp là Walter Schellenberg tiếp quản Quân báo của Đô đốc Wilhelm Franz Canaris.
Amt VII: Thư khố, phụ trách công tác “ý thức hệ” và tuyên truyền, dưới quyền GS. Franz Six.
[sửa] WVHA
WVHA (Wirtschafts-Verwaltungshauptamt – Cục Kinh tế và Hành chính) là cơ quan đặt trong Tổng hành dinh SS, có nhiệm vụ điều hành những hoạt động sản xuất và cung ứng (như hàng hậu cần và lao động nô lệ) cho Lực lượng SS và Quân đội, cũng phụ trách khai thác nguồn lợi kinh tế ở các trại tập trung và trại thủ tiêu, đến năm 1945 quản lý hơn 500 cơ sở sản xuất trên nước Đức và một số cơ sở sản xuất, hầm mỏ ở vùng chiếm đóng như Liên Xô.
Một trong những nhiệm vụ của WVHA là khai thác vàng trám trong hốc răng người Do Thái bị tàn sát. Đôi lúc người sống bị cạy vàng trước khi bị hành quyết.
Ví dụ, một báo cáo mật của quản đốc trại giam tại Minsk cho biết từ khi ông có dịch vụ của một nha sĩ người Do Thái, mọi người Do Thái “đều bị cạy vàng từ răng của họ... luôn luôn là 1 hoặc 2 tiếng đồng hồ trước khi thực hiện hành động đặc biệt.” Vàng được nấu chảy rồi được chuyển về Ngân hàng Nhà nước Đức cùng với những món có giá trị khác, được đưa vào tài khoản của SS dưới tên “Max Helliger” theo sự thỏa thuận giữa Himmler và TS. Walther Funk, Thống đốc Ngân hàng. Những vật có giá trị gồm đồng hồ bằng vàng, bông tai, vòng đeo tay, nhẫn, dây chuyền, và ngay cả tròng kính – vì người Do Thái được khuyến khích mang theo mọi vật có giá trị để được “tái định cư.” Cũng có nhiều nữ trang, đặc biệt là kim cương, và một lượng lớn các món làm bằng bạc. Và cũng có rất nhiều xấp tiền mặt.
Đến đầu năm 1942, phẩm vật thuộc tài khoản “Max Helliger” đã chiếm đầy các tủ sắt của Ngân hàng Nhà nước. Ban giám đốc Ngân hàng luôn nghĩ đến tạo lợi nhuận, thế nên họ tìm cách chuyển các phẩm vật thành tiền mặt bằng cách đưa đến các hiệu cầm đồ. Một bức thư của Ngân hàng Nhà nước gửi hiệu cầm đồ Thành phố Berlin nói về “chuyến vận chuyển thứ hai: và liệt kê số lượng của đồng hồ bằng vàng, bông tai, nhẫn kim cương...
Đến đầu năm 1944, đến phiên các hiệu cầm đồ cũng đầy ắp các món cướp bóc được và thông báo cho Ngân hàng Nhà nước là họ không thể nhận thêm. Khi quân Đồng minh tiến vào Đức, họ tìm ra trong những mỏ muối, nơi Quốc xã cất giấu hồ sơ và các món cướp bóc được, một lượng dư thừa từ tài khoản “Max Helliger” đủ đê chất đầy ba tủ sắt khổng lồ tại chi nhánh Frankfurt của Ngân hàng Nhà nước.
Các quản trị viên ngân hàng có biết nguồn gốc của “tài khoản” này không? Quản trị viên Phòng Đá quý của Ngân hàng Nhà nước khai với Tòa án Nürnberg rằng ông và các cộng sự nhận thấy là nhiều đợt giao hàng đến từ Lublin và Auschwitz.
Tất cả chúng tôi biết rằng những nơi này là vị trí của các trại tập trung. Vàng bắt đầu xuất hiện từ đợt giao hàng lần thứ mười vào tháng 11/1943. Số lượng vàng trám răng là lớn lao một cách bất thường.
Oswald Pohl, người đứng đầu WVHA và phụ trách các giao dịch, nhấn mạnh rằng TS. Funk cùng các quan chức và giám đốc của Ngân hàng Nhà nước biết rất rõ nguồn gốc các món vật họ cố tìm cách mang đi cầm cố.
[sửa] Đội Đặc nhiệm
Đội Đặc nhiệm (Đức ngữ: Einsatzgruppen): gồm bốn đội bán quân sự (A, B, C và D) gồm quy tụ Gestapo, nhân viên SS... được tuyển chọn đặc biệt, liên quan đến việc sát hại người Do Thái và chính ủy Liên Xô, các dân tộc Slav... ở Đông Âu.
Ban đầu, Himmler và Heydrich tổ chức các Đội Đặc nhiệm để đi theo Quân đội Đức tiến vào Ba Lan năm 1939, và ở đây họ bắt giữ người Do Thái và đưa vào những khu biệt lập. Đến chiến dịch đánh Liên Xô, theo sự thỏa thuận với Quân đội Đức các Đội Đặc nhiệm đi theo để thực hiện bước đầu của “giải pháp cuối cùng,” tức là thủ tiêu. Việc sát hại tập thể người Do Thái ở Liên Xô và Ba Lan do các Đội Đặc nhiệm đảm trách, gây nên cái chết cho khoảng 750.000 người.
[sửa] Số phận của vài chỉ huy SS
Rudolf Diels là mục tiêu trong vụ thanh trừng đẫm máu vì Quốc xã muốn giết người bịt miệng sau vụ dàn cảnh đốt Tòa nhà Nghị viện, nhưng ông trốn thoát được. Sau chiến tranh, ông không bị truy tố vì chỉ làm chỉ huy trưởng Gestapo trong thời gian ngắn ban đầu, lúc Gestapo chưa phạm tội ác chiến tranh. Nhưng ông được Tòa án Nürnberg gọi ra làm nhân chứng trong các phiên xử.
Adolf Eichmann bị Do Thái bắt năm 1960 ở Argentina, dẫn về Do Thái bị tuyên án tử hình, nhận thi hành án bằng cách treo cổ năm 1962.
Karl Hermann Frank, Đại tướng SS, Thủ lĩnh SS và Cảnh sát Böhmen và Mähren, bị Tiệp Khắc xử treo cổ công khai năm 1946.
Richard Gluecks, Thượng tướng Waffen-SS, Tổng Thanh tra các trại tập trung, tự tử sau khi đầu hàng năm 1945 để tránh bị đưa ra tòa.
Hermann Göring bị Tòa án Nürnberg tuyên án tử hình năm 1946. Hai tiếng đồng hồ trước khi đến lượt bị thi hành án bằng cách treo cổ, Göring nuốt thuốc độc trước đấy đã được lén đưa vào nhà tù.
Karl-August Hanke,, Lãnh tụ SS thay thế Himmler (1945), bị quân kháng chiến Ba Lan hoặc Tiệp Khắc bắt và xử tử năm 1945.
August Heißmeyer, Đại tướng cấp cao SS, Trưởng ban Giáo dục của SS, bị án tù 18 tháng (1948), bị Tòa án Bài trừ Quốc xã tuyên thêm án tù 3 năm (1950), qua đời năm 1979.
Reinhard Heydrich bị quân kháng chiến Tiệp Khắc sát hại năm 1942.
Heinrich Himmler sau chiến tranh tìm cách liên hệ với Đồng minh để đàm phán hòa bình nhưng bị từ chối, chạy trốn nhưng vẫn bị quân Anh bắt, tự tử năm 1945 trước khi bị xét xử.
Rudolf Höß, Trung tá SS, chỉ huy trại tập trung Auschwitz, bị Ba Lan xử tử hình1947.
Friedrich Jeckeln, Đại tướng SS, Thủ lĩnh SS và Cảnh sát ở Liên Xô, năm 1946 bị Liên Xô đưa ra xét xử rồi thi hành án tử hình trong vòng một ngày.
Ernst Kaltenbrunner, Đại tướng SS, Giám đốc Cơ quan RSHA (1942-1945), Thủ lĩnh SS và Cảnh sát Donau, viên chức SS cao cấp nhất sống sót sau chiến tranh, năm 1946 bị Tòa án Nürnberg xử tử hình.
Josef Kramer, Đại úy SS, chỉ huy trại tập trung Bergen-Belsen, năm 1945 bị xử tử hình.
Heinrich Müller, Đại tướng SS, giữ vai trò quan trọng trong việc thủ tiêu người Do Thái, chỉ huy việc truy lùng nhóm âm mưu ám sát Hitler ngày 20 tháng 7, 1944 do Claus von Stauffenberg thực hiện, mất tung tích sau khi Hitler tự sát ngày 30 tháng 4, 1945.
Otto Ohlendorf, Thượng tướng SS, Trưởng phòng Amt III (Tình báo nội bộ) thuộc RSHA, chỉ huy Đội Đặc nhiệm D ở Ukraina và Crimea, bị Tòa án Nürnberg xử tử hình năm 1951.
Oswald Pohl, Đại tướng Waffen-SS, Cục trưởng Kinh tế và Hành chính của SS (WVHA), tham gia thủ tiêu người Do Thái trong các trại tập trung, bị Tòa án Nürnberg xử tử hình năm 1951.
Walther Schellenberg, Thiếu tướng SS, Phó Giám đốc RSHA (1939-1942), thay thế Canaris làm Giám đốc Cục Quân báo (1944), bị án 6 năm tù nhưng được trả tự do sớm (1951) vì lý do sức khỏe, qua đời năm 1952.
Alfred Six, Trung tướng SS, lên kế hoạch khủng bố và đàn áp chính trị ở Anh nếu Đức đổ bộ được lên đất Anh, bị Tòa án Nürnberg xử 20 năm tù (1948), được giảm án còn 15 năm (1951), qua đời năm 1975.
Jürgen Stroop, Thượng tướng SS, Thủ lĩnh SS và Cảnh sát Warszawa, Ba Lan, năm 1952 bị Ba Lan xử tử hình.
[sửa] Phán quyết của Tòa án Nürnberg
Tòa án Nürnberg tuyên tổ chức SS (ngoại trừ SS Kỵ binh) phạm tội ác chiến tranh.
Tòa tuyên là phạm nhân... những người được chính thức chấp nhận là thành viên của SS..., tiếp tục là thành viên với sự hiểu biết là tổ chức này được sử dụng để thi hành những công tác được tuyên là tội ác... ngoại trừ những người bị đưa vào làm thành viên mà không có chọn lựa gì khác hoặc không thực hiện những công tác tội ác ấy...
[sửa] Đọc thêm
[sửa] Tham khảo
- The rise and fall of the Third Reich – A history of Nazi Germany của William L. Shirer, NXB Simon & Schuster, Inc. (1960).