Nhà thờ lớn Đấng cứu thế
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nhà thờ lớn Đấng cứu thế (tiếng Nga: Хра́м Христа́ Спаси́теля) là nhà thờ Chính thống giáo cao nhất và lớn nhất trên thế giới. Nó tọa lạc ở Moskva, trên bờ sông Moskva.
Mục lục |
[sửa] Thiết kế
Khi những người lính cuối cùng của Napoléon Bonaparte rời Moskva, Sa hoàng Aleksandr I đã kí một bản tuyên ngôn, 25 tháng 12 năm 1812, tuyên bố sự lưu tâm của mình để xây dựng một nhà thờ lớn để tôn kính Chúa cứu thế "nhằm biểu hiện sự biết ơn của chúng ta đến Thượng đế tiên đoán cho việc cứu giúp nước Nga khỏi sự tàn phá đã che bóng nó" và để tưởng nhớ đến những hy sinh của người Nga.
Phải đến một thời gian sau, người ta mới bắt tay vào thiết kế và xây dựng nhà thờ. Đồ án kiến trúc cuối cùng được tán thành bởi Aleksandr I năm 1817. Đó là một thiết kế tân cổ điển mang nhiều dấu ấn và biểu tượng của Hội kín Freemason. Công việc xây dựng được bắt đầu trên Đồi chim sẻ, điểm cao nhất ở Moskva, nhưng chỗ này lại tỏ ra là không an toàn.
Trong khi đó, em trai của Aleksandr I là Nikolai I lên ngôi. Là một người theo chủ nghĩa ái quốc và là tín đồ trung thành của Chính thống giáo, Sa hoàng mới không tỏ ra thích thú với các trường phái Tân cổ điển và Freemason trong đề án được chấp thuận bởi anh trai mình. Ông ta ủy nhiệm kiến trúc sư ưa thích của mình, Konstantin Thon để vẽ ra một thiết kế mới, lấy mẫu từ nhà thờ Hagia Sophia ở Constantinople. Thiết kế theo trường phái Tân Byzantine của Thon được phê chuẩn năm 1832, và một địa điểm mới, gần với Điện Kremli hơn, được lựa chọn bởi Sa hoàng vào năm 1837. Một chủng viện và nhà thờ tại đó phải được chuyển đi, vì vậy viên đá góc không được đặt cho đến năm 1839.
[sửa] Xây dựng
Công trình Nhà thờ Lớn mất nhiều năm để xây dựng. Đỉnh nhà thờ vẫn chưa vươn cao hơn giàn giáo cho đến năm 1860. Các hoạ sĩ tốt nhất tại Nga tiếp tục thực hiện những bức tranh tường hoành tráng tô điểm thêm cho nội thất bên trong nhà thờ. Phải đến thêm hai mươi năm nữa, Nhà thờ lớn mới được làm lễ Hiến dâng vào đúng ngày Sa Hoàng Aleksandr III lên ngôi, 26 tháng 5 năm 1883. Một năm trước đó, bản Overture 1812 của Tchaikovsky được hoà tấu lên lần đầu tiên tại đây.
Chính điện bên trong của nhà thờ được bao bọc bởi một hành lang hai tầng, những bức tường của nhà thờ được lát bằng đá hoa cương, đá cẩm thạch và những loại đá quý khác. Tầng trệt của hành là một đài tưởng niệm Nga chiến thắng Napoléon. Những bức tường được lát với hơn 1 000 mét vuông đá hoa cương Carrara trắng, trên đó ghi danh sách những người chỉ huy chính, những trung đoàn, và những trận đánh của cuộc Chiến tranh Vệ quốc năm 1812 (với danh sách những huy chương và cả những thương vong). Tầng hai của hành lang là dành cho đội hợp xướng nhà thờ.
[sửa] Phá hủy
Sau Cách mạng tháng Mười và sau cái chết của Lenin, vị trí nổi bật của Nhà thờ lớn lại được lựa chọn bởi các nhà lãnh đạo Xô viết (với chủ trương vô thần, Nhà thờ lớn chắc hẳn đã bị coi là tàn dư xa xỉ của "tầng lớp phong kiến" và "bóc lột" của chế độ cũ) để xây dựng một tượng đài lớn mang tên Cung điện của các Xô viết. Tượng đài này được dự kiến được xây dựng nhiều tầng theo kiểu hiện đại để hỗ trợ một pho tượng khổng lồ của Lenin, dựng trên đỉnh một mái vòm, với hai cánh tay giơ cao. Vào ngày 5 tháng 12 năm 1931, theo lệnh của Kaganovich, Nhà thờ lớn Đấng cứu thế đã bị phá huỷ tan tành bằng thuốc nổ đi-na-mít.
Việc xây dựng Cung điện của các Xô viết bị ngưng trệ một phần vì sự thiếu vốn và bởi chiến tranh, cộng với nạn lụt từ sông Moskva gần bên cạnh, khiến phần nền bị ngập khiến nó trở thành hồ bơi công cộng lớn nhất thế giới dưới thời Nikita Sergeyevich Khrushchyov.
[sửa] Nhà thờ lớn mới
Với sự kết thúc chế độ Xô viết, Nhà thờ Chính thống Nga nhận được sự cho phép để xây dựng lại Nhà thờ lớn Đấng cứu thế vào tháng 2 năm 1990.
Một quĩ xây dựng được thành lập trong năm 1992 và nền móng bắt đầu được đổ vào mùa thu năm 1994. Nhà thờ Biến hình thấp hơn, được làm lễ Hiến dâng vào năm 1996, và Nhà thờ lớn Đấng cứu thế hoàn tất được Hiến dâng vào ngày 19 tháng 8 năm 2000.
[sửa] Xem thêm
- Tượng Aleksander II gần Nhà thờ lớn Đấng cứu thế
- Nhà thờ lớn Đấng cứu thế (Kaliningrad)
[sửa] Liên kết ngoài