Hiệp ước Schengen
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
- Bài này nói về một hiệp ước kí tại Schengen. Về thị trấn mang tên này của Luxembourg, xin xem Schengen.
Hiệp ước Schengen là hiệp ước về đi lại tự do do một số nước Châu Âu ký kết. Hiệp ước Schengen được thoả thuận xong ngày 19 tháng 6 năm 1990. Đến ngày 27 tháng 11 năm 1990, 6 nước Pháp, Đức, Luxembourg, Bỉ, Hà Lan và Ý chính thức ký Hiệp ước Schengen. Hai nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ký ngày 25 tháng 6 năm 1991. Ngày 26 tháng 3 năm 1995, hiệp ước này mới có hiệu lực tại 7 nước thành viên. Hiệp ước quy định quyền tự do đi lại của công dân các nước thành viên. Đối với công dân nước ngoài chỉ cần có visa của 1 trong 9 nước trên là được phép đi lại trong toàn bộ khu vực Schengen. Hiện nay, 14 trong 25 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã tham gia khu vực Schengen (ngoại trừ Anh). Ngoài ra còn có thêm 2 nước không phải thành viên EU cũng tham gia Schengen là Na Uy và Iceland. Tính đến tháng 10 năm 2007, tổng số quốc gia tham gia ký hiệp ước này là 24 nước: Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hungary, Slovakia, Slovenia, Estonia, Latvia, Litva, Malta, Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Áo, Ý, Hy Lạp.
Mục lục |
[sửa] Tiền lệ
Trước công ước Schengen, đã có các hiệp ước bãi bỏ việc kiểm soát giấy tờ của người đi lại giũa một số nước ở châu Âu:
- Liên minh thuế quan Benelux (Benelux Customs Union) gồm 3 nước Bỉ, Hà Lan, Luxembourg ký kết tại London - sau đó thay thế bằng Liên minh kinh tế Benelux (Benelux Economic Union) ký năm 1958) - được áp dụng từ 1 tháng 1 năm 1948, cho phép các công dân của 3 nước trong Liên minh được đi lại tự do trong khu vực (và không phải khai thuế quan)
- Liên minh Hộ chiếu Bắc Âu (Nordic Passport Union) được ký ngày 1 tháng 7 năm 1954 giữa các nước Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan (Iceland gia nhập ngày 1 tháng 12 năm 1955), áp dụng từ 1 tháng 5 năm 1958, cũng cho phép các công dân của Liên minh đi lại tự do trong khu vực mà không cần mang theo thẻ căn cước hay thẻ hộ chiếu
[sửa] Lịch sử
Ngày 14 tháng 6 năm 1985, trên tàu Công chúa Marie-Astrid thả neo tại khúc sông Mosel ở ngã 3 biên giới Pháp, Đức, Luxembourg, cạnh thị trấn nhỏ Schengen của Luxembourg, 5 nước trong cộng đồng châu Âu là Pháp, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và Tây Đức đã ký một hiệp ước bãi bỏ việc kiểm soát biên giới giữa 5 nước, để cho công dân các nước này đi lại tự do trong vùng lãnh thổ 5 nước gọi là Vùng Schengen.
Ngày 19 tháng 6 năm 1990 các nước này lại ký thêm một thỏa thuận về việc áp dụng và thay thế hiệp ước ký trước, gọi là "Công ước về việc áp dụng hiệp ước Schengen giữa các chính phủ các nước trong Liên minh kinh tế Benelux, Cộng hòa Liên bang Đức và Cộng hòa Pháp, liên quan tới việc bãi bỏ từng bước các việc kiểm soát các biên giới chung" (Convention d'application de l'accord de Schengen entre les gouvernements des états de l'Union économique du Benelux, la Répuplique fédérale d'Allemagne, et la République francaise, relatif à la suppression graduelle des contrôles aux frontières communes) gọi tắt là Công ước Schengen.
[sửa] Các thành viên và ngày gia nhập
- 14 tháng 6 năm 1985: Pháp, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Tây Đức (đến 3 tháng 10 năm 1990 là CHLB Đức)
- 17 tháng 11 năm 1990: Ý
- 25 tháng 6 năm 1992: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha
- 6 tháng 11 năm 1992: Hy Lạp (gia nhập không đầy đủ, công dân Cộng hòa Macedonia muốn vào Hy Lạp phải có visa của Hy Lạp)
- 28 tháng 4 năm 1995: Áo
- 19 tháng 12 năm 1996: Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, Iceland (2 nước sau không thuộc Cộng đồng châu Âu, nhưng ở trong Liên minh Hộ chiếu Bắc Âu)
- 1 tháng 5 năm 2004: đảo Kypros, Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan, Hungary, Malta, Slovakia, Cộng hòa Séc và Slovenia (các nước này chưa áp dụng)
- 16 tháng 10 năm 2004: Thụy Sĩ (ngoài Liên minh châu Âu, đã trưng cầu ý dân chấp thuận ngày 5 tháng 6 năm 2005)
- 1 tháng 1 năm 2007: Romania, Bulgaria
- 29 tháng 5 năm 2000: Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland và Ireland chỉ ký thỏa thuận về hợp tác an ninh và cảnh sát, chưa ký bãi bỏ kiểm soát biên giới
[sửa] Vùng lãnh thổ ngoại trừ
Các lãnh thổ ngoài châu Âu dưới đây:
- của Pháp: Guadeloupe, Martinique, Guyane thuộc Pháp, Réunion, Mayotte, Saint-Barthélemy, Saint-Martin, Nouvelle Calédonie, Polynésie thuộc Pháp, Saint Pierre và Miquelon, Vùng đất phía Nam và châu Nam Cực thuộc Pháp, Wallis và Futuna
- của Hà Lan: quần đảo Antille thuộc Hà Lan, Aruba
- của Đức: quần đảo Helgoland (ở Bắc hải)
- của Na Uy: Quần đảo Svalbard
- của Đan Mạch: đảo Greenland và Quần đảo Faroe (trên lý thuyết không thuộc vùng Schengen nhưng trên thực tế có việc đi lại tự do giữa vùng Schengen và các lãnh thổ này)
- của Ý: thị xã Livigno (tỉnh Sondrio, vùng Lombardia) và Campione (nằm lọt trong đất Thụy Sĩ)
- của Kypros: miền Bắc đảo Kypros
[sửa] Các lãnh thổ không gia nhập
- San Marino (không gia nhập nhưng có biên giới mở với Ý)
- Monaco (coi như một phần của Pháp, nhà chức trách Pháp kiểm soát hải cảng Monaco)
- Liechtenstein (hiện đã nộp đơn xin gia nhập từ mùa thu 2005)
- Vatican (có biên giới mở với Ý và đã ngỏ ý muốn gia nhập, hiện có sự hợp tác chặt chẽ về an ninh trong hệ thống thông tin Schengen (système d'information de Schengen)
- Andorra
- Hy Lạp (tuy gia nhập, nhưng đối với công dân của Cộng hòa Macedonia muốn vào Hy Lạp vẫn phải xin visa của Hy Lạp)
- Anh và Ireland (chỉ ký thỏa thuận hợp tác về an ninh và cảnh sát)
[sửa] Áp dụng
- 26 tháng 3 năm 1995: Đức, Bỉ, Pháp, Hà Lan, Luxembourg, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha
- 26 tháng 10 năm 1997: Ý
- 1 tháng 12 năm 1997: Áo
- 8 tháng 12 năm 1997: Hy Lạp (trên lý thuyết, đến 26 tháng 3 năm 2000 mới thực sự áp dụng, tuy nhiên đối với công dân Cộng hòa Macedonia vẫn phải xin visa của Hy Lạp)
- 25 tháng 3 năm 2001: Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Iceland
- 21 tháng 12 năm 2007: Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia, Slovenia, Hungary, Malta (áp dụng ở biên giới đường bộ và đường thủy, riêng đường hàng không kể từ 30 tháng 3 năm 2008)
- tháng 11 năm 2008 : Thụy Sĩ
- năm 2009: đảo Kypros
- năm 2011: Bulgaria, Romania
[sửa] Các biện pháp an ninh
Theo khoản 2 điều 2 của Công ước, các nước ký kết có quyền tái thiết lập tạm thời việc kiểm soát biên giới hoặc một khu vực nhất định, vì lý do an ninh. Ví dụ trường hợp của Pháp trong dịp tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm ngày quân đồng minh đổ bộ lên bờ biển Normandie (D-day) (06.6.2004) hoặc CHLB Đức trong thời gian tổ chức giải vô địch bóng đá thế giới năm 2006 (đề phòng các hooligans phá rối).
[sửa] Vấn đề an ninh hàng không
Khi du lịch bằng đường hàng không giữa các nước trong vùng Schengen, vẫn phải trình thẻ căn cước hoặc hô chiếu khi check-in. Đây không phải là qui định của Công ước Schengen, mà là qui định bảo đảm an ninh của ngành hàng không
[sửa] Khách sạn và nhà nghỉ
Theo qui định của công ước Schengen, mọi khách sạn và nhà nghỉ trong vùng phải đăng ký tên, tuổi, số thẻ căn cước hay hộ chiếu của mọi công dân nước khác khi vào lưu ngụ, vì vậy khi check-in vào khách sạn hay nhà nghỉ thì phải xuất trình thẻ căn cước hoặc hộ chiếu.
[sửa] Visa vùng Schengen
Đối với người nước ngoài, muốn vào Vùng Schengen phải xin một visa đồng nhất gọi là Visa Schengen tại sứ quán hay lãnh sự quán của một nước mà mình muốn tới đầu tiên, sau đó có thể tự do đi lại trong Vùng Schengen. Loại visa này thường chỉ có thời hạn tối đa là 3 tháng.
[sửa] Liên kết ngoài
- (tiếng Pháp) Texte intégral de l'Accord de Schengen du 14 juin 1985
- (tiếng Pháp) Texte intégral de la convention de Schengen du 19 juin 1990
- (tiếng Pháp) L'espace et le visa Schengen
- (tiếng Anh) The Schengen Acquis
- (tiếng Anh) Schengen Visa Website
- (tiếng Anh) The Schengen area
Bài này còn sơ khai. Bạn có thể góp sức viết bổ sung cho bài được hoàn thiện hơn. Xem phần trợ giúp để biết thêm về cách sửa đổi bài. |